Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập: Yêu cầu cấp thiết

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là số lượng luật sư chuyên sâu phục vụ hội nhập còn rất ít, chất lượng cũng còn hạn chế. Do đó, việc đào tạo luật sư trong lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết.

Sau gần 7 năm thực hiện, Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định được tầm quan trọng và sự cần thiết đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Trong đó, kết quả nổi bật là sự phát triển khá nhanh về số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Hiện cả nước có 444 luật sư, 28 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Lễ Khai giảng lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập Quốc tế TP Hà Nội năm 2017.  Ảnh: Trần Dũng
Tuy vậy, thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thời gian qua cho thấy, số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, có khả năng giải quyết tranh chấp liên quan tới yếu tố nước ngoài còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, DN của nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao. Hơn nữa lại không chủ động về thời gian và nắm bắt diễn biến giải quyết tranh chấp, vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin cũng gây nhiều khó khăn cho các bên.

Với mục tiêu xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Bộ Tư pháp đã giao nhiệm vụ cho Học viện Tư pháp xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Theo TS Đoàn Trung Kiên - Giám đốc Học viện Tư pháp, Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhằm trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Từ đó có thể tham gia tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, DN, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Ngoài ra, tham gia khóa đào tạo tại Học viện, các học viên còn có cơ hội thực tập và tiếp cận với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, giúp họ khả năng cọ sát với thực tiễn, nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế.

Tuy nhiên, muốn theo học các lớp nói trên, người dự tuyển tham gia Chương trình đào tạo phải đáp ứng đủ các điều kiện: Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có lập trường chính trị vững vàng và tư cách đạo đức tốt; Có trình độ cử nhân luật trở lên; Có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt bậc 4 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc IELTS đạt 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt 45 điểm trở lên (chứng chỉ tiếng Anh phải còn hiệu lực) hoặc trình độ ngoại ngữ tương đương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần