Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Đoàn khảo sát để các DN lữ hành hiến kế giúp di sản thế giới này trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Thủ đô.
Nhiều tour hấp dẫnTrải qua bao biến thiên của lịch sử, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vẫn lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc đặc sắc. Nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nổi bật là dấu tích khảo cổ học trong lòng đất, các công trình kiến trúc Kỳ đài, Đoan môn, Bắc môn, Hậu lâu, thềm điện Kính Thiên, dấu ấn lịch sử cách mạng Nhà và hầm D67, Hầm chỉ huy của Cục Tác chiến, khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, cùng không gian thoáng đãng, trong lành…
Nỗ lực không ngừng để thu hút khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch phù hợp với những đối tượng khác nhau giúp các “thượng đế” khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc một cách sâu sắc nhất. Nếu tour tham quan di sản tổng thể Hoàng thành Thăng Long mang đến cho du khách cái nhìn đa chiều về di tích; thì tour tâm linh về nguồn lại đưa du khách đến tham quan thềm điện Kính Thiên, Hậu lâu và Bắc môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại. Tour tham quan cho học sinh cấp 2 - 3 là xem phim, tương tác dán quạt, vẽ gốm… Tour dành cho trẻ tiểu học còn cho các em tham gia trò chơi, xem phim, tham quan di tích khảo cổ, tham gia chương trình tương tác “Em làm nhà khảo cổ”. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đang xây dựng tour đặc thù khám phá Hoàng thành về đêm kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa ngoại giao tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.Để làm phong phú thêm các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội thường niên các dịp lễ, Tết như: Lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế vào đầu Xuân, chương trình Vui tết Trung thu, lễ trồng cây nêu và thả cá chép vào dịp Tết ông Công ông Táo...
Chung sức “4 nhà”Du khách tới Hoàng thành hiện đang được tiếp cận với nhiều tiện ích: Hoàng thành mở cửa liên thông với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, phục vụ cây nước tự động, wifi miễn phí… và dự kiến sắp tới sẽ hoàn thiện phần mềm thuyết minh trên điện thoại thông minh (smartphone). Nhiều DN lữ hành hy vọng bài thuyết minh tại đây được chuẩn hóa, dịch sang nhiều ngôn ngữ, có thể ứng dụng tai nghe (headphone) hỗ trợ khách đoàn và khách lẻ để tăng tính hiệu quả khi truyền đạt thông tin.Tại buổi khảo sát mới đây, các hiệp hội du lịch, DN lữ hành đánh giá cao các giá trị cũng như nỗ lực của Ban Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, lượng khách 300.000 lượt người/năm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của điểm đến này. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân, để phát triển du lịch, cùng với việc bảo tồn các giá trị truyền thống, Hoàng thành Thăng Long cần xây dựng các chương trình du lịch phù hợp với từng đối tượng và thị trường khách. “Ví dụ, đối với khách quốc tế cần giới thiệu sâu sắc hơn giá trị lịch sử thời hiện tại ở các di tích kháng chiến” - ông Lân dẫn chứng.Cùng quan điểm, Trưởng phòng Inbound Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên Trần Tâm Linh đưa ra sáng kiến: “Hoàng thành Thăng Long có thể trưng bày các bộ sưu tập trang phục, trang sức của công chúa, khoảng 2 - 3 tháng lại thay đổi một lần,... Mặt khác, có thể tái hiện lễ gả công chúa cho các thủ lĩnh dân tộc, kết hợp thưởng thức các món ăn truyền thống, du khách sẽ rất thích. Bởi lẽ, đây là “Lầu công chúa” duy nhất còn lại của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đề xuất Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần có những nội dung trưng bày liên quan đến các vương triều hoặc phục dựng các nghi lễ cung đình, các buổi thiết triều.Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã có “bột”, nếu làm đúng cách, sẽ sớm “gột” nên “hồ”. Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công – tư giữa Sở, Hoàng thành Thăng Long, các DN lữ hành, các cơ quan truyền thông nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm dịch vụ để nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn mà bất cứ du khách nào đến Thủ đô cũng muốn khám phá.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa vinh danh Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là 1 trong 7 “Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam”. Việc phát triển du lịch Hoàng thành và gắn với việc bảo tồn là điều hết sức cần thiết, nhằm đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò của ngành Du lịch trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. |