Thế nên tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (diễn ra ngày 21 và 22/11 tại Ninh Bình), các chuyên gia trong và ngoài nước đã đi tìm đáp án cho bài toán này.
Bộ công cụ du lịch có trách nhiệm
Loại hình DLTL gắn liền với văn hóa và tôn giáo, đồng thời là phương tiện để hài hòa cơ thể, tâm hồn và cảm xúc. DLTL mở đường cho du lịch có trách nhiệm bằng cách nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường, văn hóa xã hội lẫn kinh tế; đồng thời, tôn trọng các giá trị truyền thống và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương được hưởng lợi. Từ sự định vị này, ông Janez Sirse - Trưởng nhóm Tư vấn và ông Kai Partale - chuyên gia phát triển ngành du lịch Dự án EU, đưa ra giải pháp tăng cường tác động tích cực của DLTL thông qua du lịch có trách nhiệm. Theo đó, sản phẩm DLTL phải là những điển hình về liên kết các sản phẩm của điểm đến với nhu cầu đang có và tiềm năng. Một bộ công cụ du lịch có trách nhiệm của Việt Nam gắn với DLTL được 2 chuyên gia đưa ra, đó là: Quy tắc ứng xử của khách du lịch với cộng đồng địa phương; xây dựng nhận thức và giáo dục khách du lịch trước các di sản, giá trị văn hóa và môi trường; lồng ghép di sản văn hóa trong các sản phẩm du lịch; thực hiện các chính sách tôn trọng tín ngưỡng văn hóa, tâm linh và tập tục của cộng đồng địa phương.
Trước thách thức của hiện tượng "nóng lên toàn cầu" và "biến đổi khí hậu", tại hội nghị này, ông I Gede Ardika - thành viên Ủy ban đạo đức du lịch, Tổ chức Du lịch thế giới, đưa ra 3 điều kiện cơ bản để phát triển du lịch bền vững. Đó là đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch hiện có để đáp ứng nhu cầu của khách; Các hoạt động du lịch không được gây thiệt hại không thể phục hồi cho môi trường tự nhiên, lịch sử và văn hóa; Không được lãng phí năng lượng và tài nguyên. Chia sẻ nguyên tắc phát triển du lịch của Indonesia, ông I Gede Ardika cho biết: "Đầu tiên, duy trì các chuẩn mực tôn giáo và các giá trị văn hóa như hiện thân của các khái niệm về sống trong sự cân bằng. Thứ hai, tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu trong du lịch và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực du lịch".
Cộng đồng là chủ thể
Nhiều chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế đồng tình với quan điểm DLTL nhìn từ góc độ kinh tế có thể góp phần tăng doanh thu, tạo việc làm và khuyến khích hoạt động kinh doanh ở các điểm đến. Về mặt văn hóa, loại hình này giúp vượt qua thành kiến và khuyến khích mối quan hệ hữu nghị và là công cụ kiến tạo hòa bình; đồng thời cũng hỗ trợ các tập quán bền vững về môi trường sinh thái. Tuy nhiên, DLTL có thể gây ra những vấn đề giữa chủ sở hữu và người hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm tôn giáo, tâm linh; yếu tố tâm linh cũng dễ bị thương mại hóa. Để có sự bền vững tại các điểm DLTL, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển toàn diện và quản lý trách nhiệm. Trước hết có sự thay đổi về quan điểm như đầu tư vào con người, định hướng giá trị, coi cộng đồng là chủ thể tích cực và phải đề cao trách nhiệm.
Từ hiệu quả mang lại từ các điểm DLTL ở Ấn Độ, một giải pháp được ông Steve Noakes - Chủ tịch Pacific Asia Tourism Pty Ltd đưa ra cho du lịch Việt Nam là: Có kịch bản phòng chống thiên tai, đào tạo và sẵn sàng nguồn lực để triển khai; khai thác các yếu tố tích cực từ việc tiếp xúc với phong cách sống của cộng đồng. Theo ông Steve Noakes, trong hoạt động này cần có chiến lược cân bằng giữa "thương mại hóa" và làm hồi sinh, quản lý một cách thích hợp mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.
Du khách quốc tế tham quan Đền Bạch Mã. Ảnh: Đức Giang
|
8 giải pháp trọng tâm sẽ được thực hiện trong thời gian tới, đó là: Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về DLTL; xây dựng sản phẩm theo không gian quy hoạch các khu, điểm đạt tới độ tinh tế; hình thành các tuyến DLTL quốc gia; thực hiện các chính sách du lịch có trách nhiệm, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư và mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng tại các điểm DLTL... Ông Nguyễn Văn TuấnTổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch |