Phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 22; khoản 2 Điều 43)
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định phương hướng phát triển giáo dục của Thủ đô “Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế”.
Luật Thủ đô năm 2024 xác định mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế” (khoản 1 Điều 22).
Luật Thủ đô năm 2024 kế thừa quy định về giáo dục tại Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bổ sung quy định một số chính sách đặc thù nhằm phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô hướng theo mục tiêu trên.
Cụ thể: a) Cho phép cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ (khoản 3 Điều 22)
Pháp luật hiện hành mới chỉ cho phép các cơ sở giáo dục tư thục thực hiện việc liên kết đào tạo. Quy định mới này của Luật Thủ đô năm 2024 là nhằm tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy phát triển các loại hình liên kết đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, nâng cao chất lượng đào tạo của giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, trẻ em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.
b) Phân quyền cho HĐND TP quy định một số chính sách đặc thù, khác với pháp luật hiện hành về phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn TP.
- Quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài (điểm a khoản 4 Điều 22).
- Hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và trường tư thục; hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội (điểm b khoản 4 Điều 22).
Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài nên việc quản lý tài chính gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về hỗ trợ giá dịch vụ cho học sinh không phân biệt công lập và tư thục. Các quy định này sẽ góp phần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mở rộng hệ thống các trường tư thục, từng bước giảm tải cho hệ thống trường công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội.
c) Phân quyền cho UBND TP quy định một số nội dung đặc thù, vượt trội so với pháp luật hiện hành về giáo dục chất lượng cao và bổ sung, điều chỉnh chương trình giáo dục
- UBND TP quy định về giáo dục chất lượng cao:
+ Các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học (điểm a khoản 5 Điều 22);
+ Trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao (điểm b khoản 5 Điều 22). UBND TP quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao (khoản 6 Điều 22).
Mô hình giáo dục chất lượng cao tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đã được quy định tại Luật Thủ đô năm 2012. Những quy định cụ thể về trường chất lượng cao trong Luật Thủ đô năm 2012 áp dụng ổn định từ năm 2013 đến nay. Vì vậy, quy định này của Luật Thủ đô năm 2024 là việc hoàn thiện và luật hoá các quy định đã qua kiểm nghiệm thực tế.
- UBND TP quy định việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa đặc trưng riêng của Thủ đô đồng thời tăng tính chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh; đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới (điểm c khoản 5 Điều 22).
d) Áp dụng ưu đãi đầu tư
Ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thành lập mới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội; cơ sở đào tạo người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhà đầu tư có các dự án trên được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản 1, 2 Điều 43).
Để Hà Nội là trung tâm tiêu biểu về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Những điểm mới về giáo dục và đào tạo trong Điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 đã thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đó là, luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo, coi đây là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nhanh, bền vững.
Nêu quan điểm của mình, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều quy định đặc thù cho phép Hà Nội làm được rất nhiều việc. Ngành Giáo dục cần phải đi trước cả nước, giữ vững vị trí “đầu tàu". Ngành giáo dục Hà Nội cần tập trung xây dựng trường học với 4 yếu tố: Tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo, trong đó yếu tố tự chủ rất quan trọng. Mỗi nhà trường cần tự chủ để lựa chọn phương pháp giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với học sinh và điều kiện giáo dục, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất.
Có thể nói, sự ra đời của Luật Thủ đô 2024 sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Đồng thời, Luật Thủ đô cũng trao quyền cho TP Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn TP không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm "Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".
Trong khi đó, theo TS Ngô Văn Hiệp (giảng viên trường Đại học Thủ đô), là “trái tim của cả nước”, chính vì vậy, Hà Nội cần phải có những cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hộp nhập quốc tế.
Luật Thủ đô 2024 với nhiều chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá nhằm mục đích xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Việc hoàn thiện, sửa đổi Luật Thủ đô với nhiều chính sách đột phá như: về phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thu hút, trọng dụng người có tài năng.... đã tác động đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Đây là cơ sở để các trường đa dạng hoá các loại hình giáo dục; mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủ đô; tôn trọng, trọng dụng người có đức có tài; phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ để từ đó Thủ đô xứng đáng là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô