Xe bus điện thông minh hoạt động thử nghiệm ở các tuyến đường nội bộ Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
Cần quyết tâm, nỗ lực lớn
Cùng với các phương tiện giao thông xanh đang từng bước phát triển, tại Hà Nội, trong những năm gần đây, phong trào sử dụng xe đạp vừa để cải thiện sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường đã thu hút được nhiều người tham gia. Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, rất nhiều người dân Hà Nội đã lựa chọn cách đạp xe trên các tuyến phố để rèn luyện sức khỏe.
Một năm nay, thay vì sử dụng xe máy để đi làm như trước, chị Đỗ Thị Tuyết (Kim Mã, Ba Đình) chuyển sang dùng xe đạp làm phương tiện đi làm. “Nhận thức được việc đi xe đạp không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, tôi đã động viên rất nhiều chị em trong cơ quan cùng sử dụng loại phương tiện này” - chị Đỗ Thị Tuyết chia sẻ.
Theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức, để việc đi lại của người dân linh hoạt hơn thì không chỉ sử dụng xe bus mà vẫn phải kết hợp với các phương tiện cá nhân. Khi mạng lưới giao thông công cộng và cả phương tiện xe đạp hay đi bộ nếu được quan tâm như nhau, kết nối phát triển được với nhau chắc chắn sẽ giải quyết được tốt hơn vấn đề phát triển giao thông xanh.
Dưới góc độ chuyên gia môi trường, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.
“Đặc biệt, thay đổi nhận thức cần cả một quá trình, chúng ta cần phải song song tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận được với vấn đề giao thông xanh, về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt những phương tiện cũ nát, quá niên hạn sử dụng…” - PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức cũng phân tích thêm những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải, ví như, còn vướng về nguồn lực tài chính, công nghệ chưa hoàn toàn được đảm bảo, nhất là vướng về thể chế. Vì vậy, để thực hiện được phải có lộ trình phát triển, nếu không có lộ trình thì không thể thực hiện được những bước tiếp theo.
Đặc biệt, nên chú trọng thực hiện xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích người dân tham gia các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện, đi bộ. Nhất là đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe bus nhanh.
Ông Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, muốn đưa phương tiện xanh vào chiếm lĩnh mạng lưới giao thông của Hà Nội cần quyết tâm và nỗ lực vô cùng to lớn của cả TP, từ chính quyền cho tới người dân.
"Với vai trò, vị thế là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước, Hà Nội lại càng phải tích cực đẩy nhanh quá trình xanh hóa giao thông, vừa để phát triển đô thị bền vững, vừa là nhân tố chính, lan tỏa nếp sống xanh ra cả nước" - TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
"Hà Nội đang đẩy nỗ lực, nhanh phát triển giao thông xanh. Có thể kể đến như việc thực hiện rà soát các phương tiện xe buýt, đặc biệt là phương tiện sử dụng loại động cơ diesel đã cũ, hệ số phát thải cao; định hướng DN kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng thay thế phương tiện sử dụng loại động cơ ít phát thải, động cơ điện, kích thước xe cỡ vừa để phù hợp với hệ thống giao thông tại Hà Nội, vừa góp phần cần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân. Đồng thời tiến hành kiểm kê nguồn phát thải xe máy, tích cực tìm và đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp đối với xe máy cũ nát, quá niên hạn sử dụng để hạn chế nguồn phát thải ô nhiễm từ các phương tiện này" - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái. Theo Chỉ thị số 3/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí được ban hành đầu năm 2021, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường… Có thể nói, đây là một trong những giải pháp quan trọng từng bước thúc đẩy giao thông xanh phát triển. |