70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Đoàn công tác Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam do ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam làm Trưởng đoàn về tình hình thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn TP Hà Nội.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì buổi làm việc.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam.
Thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - Thực hiện các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng CP về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 trên địa bàn TP Hà Nội, tính đến 30/6/2016, trên địa bàn TP có 850 THT, 1.688 HTX, trong đó có 1,447 HTX đang hoạt động. Việc giải tỏa, xóa tên HTX của các quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ năm 2014 đến nay, đã giải thể, xóa tên 72 HTX theo quy định. Hiện nay, Hà Nội có 5 Liên hiệp HTX, trong đó có 2 HTX ngừng hoạt động, 1 Liên hiệp HTX chưa chuyển đổi. Đến nay chưa có Liên Hiệp HTX nào thực hiện tổ chức lại theo quy định Luật HTX năm 2012. 
Sau hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị, Chương trình số 24 của Thành ủy, Kế hoạch số 175 và Kế hoạch số 127 của UBND TP, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với kinh tế tập thể được tăng cường. Hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 của TP tương đối đồng bộ và đầy đủ. Hoạt động của ác HTX nhìn chung ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2013 đến nay, thành lập mới được 120 HTX và 292 Tổ hợp tác (THT). 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, cuộc làm việc đầu tiên của Thành ủy Hà Nội với Liên minh HTX Việt Nam là dịp để các sở, ban ngành, quận, huyện, thị, từng HTX cùng TP nhìn nhận lại vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong từng địa phương, tìm ra nhân tố mới, cùng nhau chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân. Trong vai trò quản lý Nhà nước, cần có nhiều HTX, đóng góp nhiều hơn vào kinh tế Thủ đô, tỷ lệ gần 2.000 HTX là khiêm tốn so với tiềm năng của Thủ đô. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, ngay sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 56-KL/TW, Thành ủy triển khai tích cực và sâu rộng 4 chương trình công tác. Thời gian qua, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về Kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực. Vai trò HTX được nâng lên, mô hình HTX kiểu theo Luật HTX năm 2012 có sự chuyển biến, góp phần đóng góp mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, giảm hộ nghèo, phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh nông thôn.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng còn nhiều tồn tại, yếu kém, năng lực đội ngũ quản lý HTX, liên kết giữa HTX, HTX- DN bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Sự phối hợp quản lý Nhà nước giữa các sở, ngành chưa thực sự hiệu quả nên đề nghị, TP cần đánh giá lại và tiếp tục phát huy những điểm sáng, khắc phục ngay những yếu kém. “Hoan nghênh phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, các cấp ủy, chính quyền Hà Nội đang rất quan tâm từ khâu sản xuất của người nông dân cho đến khâu phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hiện nay ngoài chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn của Bộ Nông nghiệp, Liên minh HTX TP, Vingroup, chúng tôi mong muốn kết hợp VCA triển khai lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe của người dân” , Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn.

 Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội
Thay mặt Đoàn công tác, Trưởng đoàn Võ Kim Cự đã ghi nhận, biểu dương những cố gắng, kết quả đạt được của TP Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, TP Hà Nội tuy có những chuyển biến, nhưng chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên, chất và lượng HTX chậm, mô hình ít, nhỏ, tác dụng lan tỏa khiêm tốn, chưa có HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, thành lập HTX mới quá ít trong khi HTX kiểu cũ còn nhiều.
Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự đề nghị TP Hà Nội tiếp tục triển khai Kết luận số 56-KL/TW, Chỉ thị 19, Quyết định 2261, gắn với tổng kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56; khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, HTX thương mại dịch vụ tiêu thụ sản phầm và HTX tiểu thủ công nghiệp; Tiếp tục phát triển HTX kiểu mới trong nông nghiệp thực hiện tiêu chí 13 của NTM.

“TP Hà Nội cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Nguyên tắc xây dựng tổ hợp tác, hình thành HTX, hình thành lên Liên hiệp HTX sau đó là lên Tổng Công ty. Đây là mô hình phát triển bền vững” - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị Thành ủy, HĐND có những chính sách hỗ trợ HTX tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, lồng ghép các chương trình trong phát triển kinh tế HTX.