Phát triển huyện Phúc Thọ thành vùng kinh tế công nghiệp - dịch vụ năng động

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế thừa thành tựu của 15 năm sau khi hợp nhất về với Thủ đô, trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, định hình phát triển thành 3 vùng kinh tế trọng điểm.

3 vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của huyện Phúc Thọ gồm: Vùng đô thị sinh thái; Vùng nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái; Vùng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề. 

Ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ.
Ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn xung quanh câu chuyện định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ (CN - TTCN - TMDV) và làng nghề. Đây là nhóm lĩnh vực có vai trò bổ trợ quan trọng cho sự phát triển của hai vùng kinh tế trọng điểm còn lại của huyện trong giai đoạn tới.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) trở thành một phần của Thủ đô. Ông đánh giá thế nào về bước chuyển kinh tế của địa phương trong 15 năm qua, sau khi hợp nhất về với Hà Nội?

- Trong 15 năm qua, sau khi hợp nhất về với Thủ đô, huyện Phúc Thọ đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn của Thành uỷ - HĐND - UBND TP Hà Nội. Giai đoạn 2010 - 2022, kinh tế huyện Phúc Thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9%/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực.

Đặc biệt, tỷ trọng trong lĩnh vực CN - TTCN - TMDV và làng nghề có nhiều khởi sắc, liên tục phát triển. Nếu như năm 2011, giá trị CN - TTCN và làng nghề mới đạt 1.131 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã đạt 7.230 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2022 là 14,1%. Đối với TMDV, năm 2008, tổng giá trị đạt 550 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã đạt hơn 5.460 tỷ đồng (theo giá thực tế).

Tính chung giai đoạn 2010 - 2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nhóm lĩnh vực CN - TTCN - TMDV và làng nghề đạt trên 10%/năm.

Những bước phát triển tích cực nêu trên là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, giá trị sản xuất nhóm lĩnh vực CN - TTCN - TMDV và làng nghề thực tế chưa đạt như kỳ vọng. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

- Sự phát triển của ngành CN - TTCN - TMDV và làng nghề đã góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của ngành nông nghiệp; tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho huyện Phúc Thọ. Bên cạnh đó là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận giá trị sản xuất CN - TTCN và làng nghề của huyện trong giai đoạn vừa qua vẫn còn thấp; tốc độ tăng trưởng chậm. Quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ với năng lực, trình độ quản trị còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu mạnh dẫn đến sức cạnh tranh thấp. Công tác quy hoạch phát triển hạ tầng TMDV, quy hoạch phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng TMDV của huyện cũng còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển…

Cụm công nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) được khởi công đầu năm 2023.
Cụm công nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) được khởi công đầu năm 2023.

Cụ thể hoá mục tiêu phát triển

Kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô, huyện Phúc Thọ đã được hưởng lợi gì từ chính sách phát triển CN - TTCN - TMDV và làng nghề của Hà Nội, thưa ông?

- Trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CN - TTCN - TMDV và làng nghề nói chung trên địa bàn Hà Nội. Riêng đối với huyện Phúc Thọ, TP đã phê duyệt quy hoạch 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 251ha. Đến nay, UBND TP đã phê duyệt quyết định thành lập 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 95ha và tổng mức đầu tư khoảng 1.995 tỷ đồng. Ngoài 6 cụm công nghiệp đã được UBND TP phê duyệt và đang trong quá trình triển khai, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đang có 2 cụm công nghiệp hoạt động.

Toàn huyện Phúc Thọ hiện có 7 làng nghề được UBND TP công nhận. Ngoài ra, trong những năm gần đây, huyện còn phát triển thêm được một số làng nghề mới như: Nghề mộc ở xã Long Xuyên, nghề sản xuất con giống bằng thạch cao ở xã Thanh Đa, nghề sản xuất tương ở xã Thượng Cốc, nghề may mặc ở xã Tam Thuấn… Các làng nghề, làng có nghề với 1.733 cơ sở sản xuất - kinh doanh đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân các xã, thị trấn.

Thực hiện Quyết định số 2757 của UBND TP về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Phúc Thọ đã được Sở Công Thương, các đơn vị hỗ trợ xây dựng, phát triển 11 chợ. Hiện đang từng bước phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, huyện cũng đang duy trì và đẩy mạnh hoạt động của hệ thống dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông; dần hình thành các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch tại các xã: Hiệp Thuận, Tam Thuấn, Tích Giang…

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN - TTCN - TMDV và làng nghề trong giai đoạn tới, huyện Phúc Thọ đã có những giải pháp gì, thưa ông?

- Cụ thể hoá Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, vừa qua, UBND huyện Phúc Thọ đã xây dựng và ban hành Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và làng nghề trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của đề án trên là tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển nhanh các ngành CN - TTCN và làng nghề có lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển TMDV thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm cơ sở, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả kinh tế của huyện.

Hoạt động giao thương nhộn nhịp tại Chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ.
Hoạt động giao thương nhộn nhịp tại Chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ.

Cần 11.000 tỷ đồng cho mục tiêu phát triển

Mục tiêu là rất rõ ràng, tuy nhiên, để biến mục tiêu thành hiện thực, cần phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài, thưa ông?

- Đúng là từ mục tiêu đến hiện thực vẫn còn khoảng cách xa, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở tranh thủ tối đa sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương và TP Hà Nội. Cụ thể hoá mục tiêu của đề án nêu trên, huyện đã đề ra 12 nhóm giải pháp để chỉ đạo tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển CN - TTCN - TMDV và làng nghề đến năm 2030.

Theo đó trong giai đoạn tới, giải pháp trọng tâm hàng đầu được huyện đề ra là tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất đai, cải cách hành chính. Hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định các quy hoạch; nghiên cứu và cập nhật quy hoạch mới hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Huyện cũng sẽ tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và TP Hà Nội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông khung như đường trục kinh tế Bắc - Nam, đường Tây Thăng Long, Quốc lộ 32, đường tỉnh 416… Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề, TMDV. Tiếp tục đảm bảo nhu cầu năng lượng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Để có thể cụ thể hoá mục tiêu phát triển CN - TTCN - TMDV và làng nghề trên địa bàn huyện Phúc Thọ đến năm 2030, ông có kiến nghị, đề xuất gì với TP Hà Nội không?

- Một trong những vấn đề quan trọng nhất để đề án đi vào cuộc sống là nguồn lực đầu tư. Theo đề án, huyện Phúc Thọ xác định nguồn vốn thực hiện trong giai  đoạn 2023 - 2025 vào khoảng 2.323,5 tỷ đồng, trong đó có 286,8 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, còn lại là vốn xã hội hoá (2.054,9 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2025 - 2030, nguồn lực dự kiến thực hiện đề án là 8.603 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 763 tỷ đồng, còn lại 7.840 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hoá.

Sau 15 năm hợp nhất về với Thủ đô, điều kiện kinh tế của huyện Phúc Thọ đã có nhiều khởi sắc. Dù vậy, so với nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội, địa phương có xuất phát điểm thấp, và kinh tế - xã hội đến nay nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để có thể hoàn thành các mục tiêu của đề án, cụ thể hoá Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành uỷ, huyện Phúc Thọ rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ ngân sách thực hiện các dự án thành phần từ UBND TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng khung, nhất là hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực phát triển cho vùng huyện. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và mời gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp lớn mạnh, có tiềm lực đầu tư vào phát triển huyện Phúc Thọ thành vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Bắc của Thủ đô.

     Xin cảm ơn ông!  

 

Huyện Phúc Thọ phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 12.000 tỷ đồng; hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định 6 cụm công nghiệp; có thêm từ 3 - 5 làng nghề mới được UBND TP Hà Nội công nhận. Tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt trên 9.000 tỷ đồng; phấn đấu xây dựng mới 7 chợ trung tâm xã, 6 siêu thị, 1 trung tâm thương mại mua sắm cấp vùng và 1 trung tâm logistic.