Phát triển KHCN, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô cho mục tiêu số hóa

Thảo Nguyên - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền đô thị, kinh tế tri thức, Hà Nội đã có chủ trương. Yêu cầu đặt ra là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa nền kinh tế” - Các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo Khoa học “Phát triển thị trường KHCN gắn với đổi mới sáng tạo của Thủ đô”.

Startup gắn với đổi mới sáng tạo chưa như mong đợi
TS Lê Văn Hoạt - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội chỉ ra, trong “Chiến lược phát triển KHCN của TP Hà Nội đến năm 2020”, phát triển thị trường KHCN được xác định là một trong những nội dung trọng tâm, thị trường KH&CN Thủ đô bước đầu có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn phát triển chậm chạp, chưa được như mong đợi.
TS Lê Văn Hoạt - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội
TS Hoạt chỉ ra 7 hạn chế đó là: Thiếu gắn kết Khoa học - công nghệ chưa thực sự bám sát và để phục vụ những yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội; thứ hai các sản phẩm khoa học - công nghệ thường chưa hoàn thiện, tính mới mẻ, hiện đại, có khả năng sẵn sàng cung cấp cho thị trường rất ít, khó áp dụng vào thực tiễn; Thông tin về thị trường khoa học - công nghệ còn yếu và thiếu hệ thống; Hệ thống tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định…) còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối; Các tổ chức nghiên cứu và phát triển và các DN khoa học - công nghệ phát triển chưa nhiều; Còn thiếu những định chế tài chính và những cơ chế chính sách liên quan đến việc định giá, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thủ đô đang thiếu những cơ quan tư vấn, hỗ trợ; thiếu những định chế tài chính và cơ chế chính khách khuyến khích, nâng đỡ; khó khăn trong kết nối giới khoa học và doanh nghiệp, doanh nhân.
“Đến tháng 6/2018 trên địa bàn đã có 242.137 DN đã thành lập và đang hoạt động. Tính đến tháng 9/2018 Hà Nội mới cấp Giấy chứng nhận cho 45 DN KH&CN (trong tổng số 350 DN KH&CN của cả nước; đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh với 62 DN KH&CN). Tuy vậy, số DN quan tâm thành lập quỹ đầu tư cho hoạt động KHCN chưa nhiều” - ông Hoạt bày tỏ.
Theo ông Hoạt, phát triển KHCN phải gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là hình thức khởi nghiệp gắn liền với sản phẩm của KHCN, là khởi nghiệp theo cách tư duy mới, mô hình mới, hình thức kinh doanh mới, công nghệ mới, sản phẩm mới… khác biệt với cái cũ, cách làm truyền thống. Do các sản phẩm có tính đột phá, sáng tạo nên các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hầu hết đều phải dựa vào và sử dụng công nghệ mới để tạo ra tính cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ so với các DN truyền thống. Đây là tiêu chí quan trọng tạo ra sự khác biệt giữa một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và DN lập nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam chưa có số liệu thống kê riêng về DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, chính khái niệm DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn tương đổi mới và thường bị nhầm lẫn với hoạt động thành lập DN mới). Theo World Bank đánh giá, Việt Nam đứng cuối bảng về điều kiện khởi nghiệp tốt nhất tại châu Á mặc dù khái niệm “Quốc gia khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều nhất.
Hà Nội có nhiều điều kiện phát triển KHCN
Về thị trường khoa học - công nghệ Thủ đô, ông Hoạt cho rằng trong những năm tới, có nhiều điều kiện thuận lơi cho sự phát triển và hy vọng có bước đi đột phá nếu chủ động nắm lấy cơ hội, nhất là khi Chính phủ xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược (cùng với cải cách thể chế và hạ tầng); là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế.
Các chuyên gia chỉ ra, giải pháp cho phát triển thị trường KHCN gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đó là cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp lớn nhằm phát triển thị trường KH&CN là: Kích cung, kích cầu; phát triển các định chế trung gian (các tổ chức tư vấn, môi giới, dịch vụ chuyển giao công nghệ…); Khuyến khích, hỗ trợ các DN trên địa bàn tham gia tích cực vào thị trường KHCN thông qua hoạt động mua bán, đặt hàng, trao đổi công nghệ, ký kết các hợp đồng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho DN.
Xây dựng lộ trình và cơ chế hỗ trợ DN trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ. Xây dựng lộ trình và cơ chế hỗ trợ DN trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ. Các sản phẩm KHCN được tạo ra từ nguồn vốn ngân sách nếu là sản phẩm phục vụ chung cho các cơ quan quản lý nhà nước thì được cung cấp cho cơ quan nhà nước đã đặt hàng, đồng thời chuyển vào trung tâm thông tin và thống kê KHCN của TP để các cơ quan khác có quyền chia sẻ.
 
Trên cơ sở đó, nhóm giải pháp thứ hai là phát triển mạnh các định chế trung gian khuyến khích phát triển các tổ chức môi giới, tư vấn, dịch vụ KHCN trên địa bàn TP làm nhiệm vụ cầu nối giữa người sản xuất hàng hóa KHCN và người tiêu dùng. Nâng cao năng lực, chất lượng của các hoạt động giám định, thẩm định, đánh giá công nghệ. Thành lập Trung tâm đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ của TP. Thành lập hiệp hội các nhà tư vấn trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, giúp cho quá trình thẩm định, đánh giá giá trị của công nghệ và đàm phán mua bán, chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu KHCN được thuận lợi, đảm bảo lợi ích của người bán và người mua.
Nhóm giải pháp thứ ba là hoàn thiện môi trường pháp lý (cơ chế chính sách); Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các Bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường KHCN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhóm giải pháp thứ tư là tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư NSNN cho hoạt động khoa học và công nghệ nhằm phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước tưng xứng với nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ hiện nay, trong đó nâng tỷ lệ chi cho KH&CN ở từ NSNN hàng năm của TP trong những năm tới lên mức 2,5 - 3% tổng chi ngân sách.
Bên cạnh đó, các giải pháp như nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin khoa học - công nghệ; kết nối cung - cầu; Nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là cho các doanh nhân và giới trẻ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đưa các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào chiều sâu.
Hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư cho KHCN
PGS. TS Nguyễn Thành Công - Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, phát triển thị trường KHCN gắn với hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Thủ đô qua đó góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Do đó, nhiệm vụ và giải phát chủ yếu phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô những năm tới.
TS Công cũng cho rằng, hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố hàng đầu. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các định chế quốc tế và khu vực (WTO, APEC, ASEAN...). Hoàn thiện chính sách đầu tư từ NSNN cho phát triển thị trường KH&CN, trọng tâm là cơ chế, chính sách đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các tổ chức trung gian và thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ của DN.
Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát của thị trường KH&CN Thực hiện chính sách ưu đãi thuế linh hoạt. Cụ thể như: Miễn giảm thuế để khuyến khích các DN đầu tư vào các hoạt động đổi mới công nghệ (như: Sản xuất thử nghiệm, sản xuất sản phẩm mới, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ); Miễn thuế cho các hoạt động trung gian, môi giới trên thị trường KH&CN (như: Triển lãm, giới thiệu sản phẩm mới, hội chợ công nghệ, thiết bị). Tăng cường hình thức đặt hàng từ TP, sở, ngành, quận huyện và DN; Tạo môi trường thuận lợi cho nhà khoa học tập trung sáng tạo, nghiên cứu.
Về cơ chế ngân sách, đồng tình với kiến nghị của TS Hoạt, song PGS. TS Nguyễn Thành Công - Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, cần xem xét cơ cấu ngân sách cho KHCN như thế nào trong tổng số chi 2% hiện nay và những gì thiết thức gắn với đời sống phải tăng đầu tư lên. Thứ hai là kêu gọi xã hội hóa. “Thí điểm thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của TP, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân để hỗ trợ vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo”- Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Quang Hưng - đại diện Thành đoàn Hà Nội, trong Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP đang tập trung xây dựng Hỗ trợ hình thành 3 - 5 vườn ươm trong các trường đại học, vườn ươm tư nhân hoặc theo hình thức đối tác công - tư; Thu hút từ 3 - 5 Quỹ đầu tư nước ngoài đặt văn phòng tại Hà Nội và khuyến khích các tổ chức, cá nhân lập Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 200 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần