Phát triển Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập trung nguồn lực phát triển Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia: tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Huy động mọi nguồn lực cho hạ tầng kinh tế biển

Phát triển trung tâm đầu mối tại Kiên Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái; thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.

Đường điện 220kV từ đất liền ra đảo Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Lãnh
Đường điện 220kV từ đất liền ra đảo Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Lãnh

Phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông với công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại. Thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm, khu công nghiệp, trung tâm logistics, chợ truyền thống, chợ đầu mối...

Tập trung đầu tư xây dựng và tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa các phương thức vận tải.

Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, hành lang kinh tế biên giới từ Long An đến Kiên Giang.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa T.Ư và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với bộ, ngành T.Ư và địa phương có liên quan triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (Đông - Tây); tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh (kết nối với tỉnh Cà Mau ở phía Nam); hệ thống cảng biển theo quy hoạch quốc gia (Khu bến Phú Quốc; các bến cảng An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ; Bến cảng tại quần đảo Nam Du); mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch và đầu tư cảng hàng không Rạch Giá.

Chuyển dịch sang phát triển chiều sâu và bền vững

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học -công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa và con người.

Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, công nghiệp sử dụng nhiều lao động và công nghiệp trình độ cao.

Phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, qua đó thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, sản phẩm xuất khẩu (chế biến nông - thủy sản, dệt may - giày da, công nghiệp xi măng,…).

Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm và lúa gạo; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Tăng cường phát triển các loại hình dịch vụ mới, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin - truyền thông, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại điện tử, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh...

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch Kiên Giang trong mối quan hệ liên vùng, gắn với ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ và các nước theo hành lang kinh tế ven biển phía Nam, khu vực ASEAN.

Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó chú trọng nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, các khu, cụm công nghiệp ven biển.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động kiểm soát lũ, phòng, chống sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn,… Bảo vệ phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Phát triển khoa học - công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Hỗ trợ các DN tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng được các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số.

Ưu tiên nguồn lực và phân kỳ phù hợp để đầu tư các công trình trọng điểm. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, vốn tư nhân thông qua các hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hạ tầng, các ngành có lợi thế và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.