Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội: Làm gì để tạo bước đột phá?

Bài 1: Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn

ThS.KTS Lã Hồng Sơn - Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị Hà Nội đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Nhưng để hoạt động kinh tế ở khu vực này thật sự phát huy được lợi thế vốn có, cần sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cấp, ngành cũng như giải pháp đột phá từ nhiều mặt.

Bài 1: Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn

Phát triển kinh tế đô thị là tổng hợp các lĩnh vực phát triển kinh tế có vai trò chủ chốt trong phát triển đô thị. Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, quyết sách cho vấn đề này. Những năm gần đây, kinh tế đô thị được bàn luận đến rất nhiều để nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị hiện đại.

Phát triển kinh tế đô thị đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Ảnh: Hoàng Hà
Phát triển kinh tế đô thị đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Ảnh: Hoàng Hà

Khó khăn, thách thức

Quan điểm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội làm căn cứ cho quy hoạch đô thị đã được quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017, dẫn đến việc tổ chức thực hiện quan điểm chỉ đạo: “Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị” sẽ gặp phải khó khăn, thách thức, lúng túng và thậm chí mâu thuẫn trong bối cảnh Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2030 chưa được xác định, đồng thời về nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị không được quyết định bởi cấp ngành duy nhất.

Quan điểm đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị để phát triển là đúng đắn, song cần một khoảng thời gian chuẩn bị, từ các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đến các nhân tố có liên quan khác. Quan điểm đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững trước các biến động, thay đổi theo quy luật thị trường.

Về cơ sở thực tiễn, hiện nay, mối quan hệ của đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển nông thôn còn chưa có những đánh giá toàn diện và sâu sắc; thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới.

Quy định pháp luật về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị về cơ bản là đầy đủ, song hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch nông thôn và quy hoạch khu chức năng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhiều văn bản không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Các khái niệm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến nay chưa được pháp luật quy định cụ thể. Phân loại đô thị nặng về chỉ tiêu số liệu, yếu tố con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm chưa được coi trọng, đô thị thiếu tính bản sắc, chưa có các tiêu chuẩn, tiêu chí về kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,... nhiều loại hình đô thị gắn với nhu cầu phát triển kinh tế đô thị chưa có sự quan tâm đầy đủ để quản lý và đề xuất trong các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.

Ví dụ: Đô thị du lịch; đô thị đại học; đô thị sinh thái; đô thị xanh; đô thị thông minh; đô thị tổ hợp đa ngành; đô thị công nghệ cao, đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực; hoặc phát triển các mô hình cây xanh chuyên đề - nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao trong vành đai xanh, nêm xanh, hành lang xanh... Khu vực nông thôn nằm trong các khu vực dự kiến phát triển đô thị và có tốc độ đô thị hóa cao còn chưa có các giải pháp hợp lý về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Các yếu tố biến động, thay đổi theo quy luật thị trường kinh tế tác động khách quan đến việc phát triển đô thị chưa có các tiêu chí đánh giá, dẫn đến nhiều nhận định chủ quan, thậm chí áp đặt duy ý chí.

Thực tiễn phát triển đô thị và phát triển kinh tế của Thủ đô có sự tham gia quản lý của nhiều cấp, ngành. Song cơ chế, chính sách phát triển theo Luật Thủ đô năm 2012 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô chưa có đặc thù, đột phá và hấp dẫn để khuyến khích các DN và người dân cùng tham gia. Các đô thị vệ tinh, thị trấn của Thủ đô chưa khơi thông được các nguồn lực của đô thị và nguồn lực từ xã hội để phát triển.

Xây dựng một Luật Quản lý phát triển tại đô thị và nông thôn thống nhất

Trong định hướng phát triển, việc điều chỉnh luật tổ chức chính quyền địa phương theo hướng đô thị và nông thôn hướng tới chất lượng sống và con người là trung tâm, đô thị bản sắc và đặc thù vươn tầm quốc tế thì chính quyền cũng nên được tổ chức phù hợp. Người đứng đầu tổ chức chính quyền, tổ chức kinh tế nên sử dụng và khai thác hiệu quả hoạt động quản lý, hoạt động nghiên cứu, tư vấn về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để đảm bảo cho phát triển hài hòa và bền vững.

Định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn cần bổ sung cơ sở khoa học về quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc cảnh quan đồng bộ đô thị và nông thôn, trong đó rà soát tổng quan về quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc cảnh quan (khái niệm, nội dung, yếu tố ảnh hưởng,…) đặc biệt tại các huyện có vị trí tiếp cận các quận, tham khảo kinh nghiệm một số đô thị về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đối với khu vực nông thôn (ngoại thành, ngoại thị) để xây dựng và ban hành các chính sách cho phù hợp, thích ứng với quá trình đô thị hóa, lấy người dân là trung tâm, lấy chất lượng sống làm cơ bản đánh giá không phân biệt giữa đô thị và nông thôn.

Về quản lý và phát triển đô thị và nông thôn cũng nên hướng tới xây dựng một Luật Quản lý phát triển tại đô thị và nông thôn thống nhất (không phân biệt giữa đô thị và nông thôn). Phát triển đồng bộ và hiện đại cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn của Thủ đô, là phát triển kinh tế đô thị đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Tại các khu vực kết nối giao thương liên vùng, nơi tập trung các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn (khu, cụm công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch), khu vực cụm du lịch, di tích lịch sử, di sản văn hóa được xếp hạng,... Cần có yêu cầu nâng cao hơn một mức một số tiêu chí (kỹ thuật, quy mô, nội dung, mỹ thuật) so với các khu vực khác, tạo diện mạo cho khu vực nông thôn, kết nối đồng bộ với khu vực đô thị.

Quy hoạch kiến trúc đồng bộ các khu định cư, nhà ở phục vụ công nhân, người lao động gắn với không gian sản xuất và sinh hoạt công cộng, xây dựng Thủ đô Hà Nội thành nơi đáng sống (không phân biệt giữa đô thị và nông thôn), phát triển đồng bộ và hài hòa kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn, lấy văn hóa bản địa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

(Còn nữa)