Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ: Liên kết trong tổng thể

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát huy lợi thế của khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt là kết nối giữa các DN trong cộng đồng kinh tế vùng, giữa DN với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm gia tăng sức ảnh hưởng và hướng đến tính hiệu quả lan tỏa đầu tư của vùng, chiều 18/10, báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ".

Nhiều tiềm năng chưa khai thác
Khu vực Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, là cầu nối giữa các Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc với miền Trung cũng như miền Nam. Khu vực có chiều dài đường biên giới đất liền khoảng 1.251,84km và chiều dài đường bờ biển khoảng 632,04km, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, trong đó có vai trò phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên những năm qua, khu vực này vẫn chưa phát huy được hết vai trò của mình.
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp - Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, kết quả thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1114/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản vùng miền Trung chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra, mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực trong giai đoạn 2016 - 2018.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn

Kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2018 được Chính phủ quan tâm đầu tư một cách căn bản. Vùng hiện có 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế; 14 nhóm cảng biển nước sâu, trong đó có 8 cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và có 11/17 khu kinh tế ven biển của cả nước, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa lớn của cả nước, là đầu mối giao lưu quốc tế cho các vùng và địa phương khác. Năm 2018, vùng Bắc Trung bộ đóng góp 44,5% vào quy mô kinh tế miền Trung, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Bắc Trung bộ đạt thấp.
Những tồn tại, yếu kém của vùng Bắc Trung Bộ hiện nay có thể kể: Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, chưa cao. Vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỷ lệ lao động thất nghiệp của vùng vẫn ở mức cao so với cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của vùng nói chung, vai trò của công nghiệp nói riêng còn yếu và thiếu bền vững. Nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Một số tỉnh, TP chưa xác định được ngành kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh của địa phương. Yếu tố thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung và phát triển toàn vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp, quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.
Về phát triển giao thông, ông Vũ Hoàng Giang - Viện Chiến lược Phát triển GTVT cho biết, thời gian qua, vùng này được Chính phủ quan tâm định hướng phát triển một cách đồng bộ và hệ thống bằng việc phê duyệt các Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT, trong đó có các nhiệm vụ cụ thể phát triển GTVT của vùng và các tỉnh trong khu vực đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đây là các căn cứ quan trọng để định hướng cho công tác đầu tư, phát triển giao thông quốc gia và địa phương một cách đồng bộ và thống nhất…
Đến nay, vùng Bắc Trung Bộ đã cơ bản hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ với đầy đủ các phương thức vận tải. Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế chính sách về kết cấu hạ tầng và vận tải đã cơ bản đảm các tiêu chí hội nhập với các nước trong khu vực ASEAN… Tuy nhiên theo ông Giang, hệ thống giao thông của vùng hiện còn phát triển chưa đồng bộ, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế.
Về phát triển công nghiệp, theo bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, những năm gần đây, phát triển công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ so với cả nước tốc độ tăng khá cao, tuy nhiên tăng trưởng công nghiệp trong vùng chỉ mới tập trung ở một số tỉnh, không đồng đều.
Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, hiện nay khu vực Bắc Trung Bộ vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Mặc dù đã có những dự án về công nghiệp như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk... với khoảng 40.000 DN, số hộ kinh doanh khoảng 300.000 hộ. Xét về dân số, vùng Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số DN chỉ chiếm 5,5%, điều này thể hiện trình độ phát triển của DN khu vực này mới chỉ bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.
 Cơ chế cho kinh tế vùng “cất cánh”
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này hiện có gần 40.000 DN đang hoạt động, chiếm khoảng 5,5% số DN đang hoạt động trên cả nước (cả nước hơn 730.000 DN). Mặc dù số DN còn khiêm tốn nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực này khá đa dạng, phong phú và nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới,...
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, từ trước đến nay, giữa các tỉnh không phải không có liên kết mà liên kết chưa được hiệu quả, chắc chắn. Còn theo ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, liên kết là vấn đề mà tỉnh này rất trăn trở.
Do đó, để phát huy tiềm năng của tỉnh nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, đối với chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ, trước hết giải quyết vấn đề về hạ tầng thông qua việc tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thống giao thông ven biển, đồng thời nâng cấp, phát triển mạng lưới logistics tại các cảng biển phục vụ xuất khẩu, giúp DN tiết kiệm chi phí.
Đối với giải pháp về chính sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực Bắc miền Trung. Theo đó, mỗi tỉnh đề xuất 3 - 5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng; tăng đầu tư khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của nhau...
Bên cạnh việc chỉ ra những thuận lợi và hạn chế trong lĩnh vực giao thông, ông Vũ Hoàng Giang - Viện Chiến lược Phát triển GTVT cho biết, hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng chiến lược kết nối cơ sở hạ tầng trên cơ sở tăng cường kết nối giữa hệ thống giao thông của vùng Bắc Trung Bộ với hệ thống giao thông cả nước và quốc tế nhằm giảm chi phí vận tải, phát huy hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, đặc biệt là các dự án có tính chất động lực, tác động lan tỏa của khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
Ông Giang cũng cho biết, thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Quốc hội và Chính phủ ưu tiên nguồn kinh phí cho đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về kết nối giao thông của vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đồng thời tạo cơ hội phát triển chuỗi đô thị ven biển trên cơ sở xây dựng và phát triển các thành phố ven biển trở thành những trung tâm tiến ra biển của từng địa phương.
Về phát triển công nghiệp, theo bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, hiện Bộ này đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực miền Trung đến năm 2025 tầm nhìn 2035. Theo đó, định hướng phát triển quy hoạch vùng, tập trung vào các nội dung trọng điểm, bao gồm: Tập trung vào các ngành thế mạnh của vùng (chế biến thủy sản; thép, luyện kim, hóa dầu…). Phát triển không gian công nghiệp theo dọc các tuyến hành lang ven biển.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đã công bố quy hoạch rộng rãi, định hướng rõ ràng. Qua đó, Sở Công Thương và các tỉnh phối hợp xây dựng định hướng tập trung thu hút đầu tư theo các định hướng nêu trên” - bà Hiền thông tin thêm.
Khẳng định vùng Bắc Trung Bộ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, chúng ta đang sống trong thời kỳ 4.0, hội nhập, là kỷ nguyên của siêu kết nối, nhưng chúng ta không kết nối nổi với nhau, khiến qua trình phát triển của chúng ta chầy chật trong những năm qua. Để góp phần cải thiện thực trạng thiếu kết nối này, VCCI đã và đang thực hiện một loạt diễn đàn về kết nối vùng, trong đó đặt DN ở vị trí trung tâm.
Khẳng định Chính phủ đã có Quyết định về quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ, tuy nhiên Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu không có sự chung tay của các giới, trong đó vai trò nòng cốt của DN thì khó thành công.
Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập Hội đồng liên kết vùng. Theo đó, Hiệp hội các tỉnh, TP đã có liên kết với nhau và việc cần làm hiện nay là thành lập Hội đồng liên kết vùng. Hội đồng này sẽ định hướng chiến lược của hệ thống sinh thái vùng, hỗ trợ cho vùng phát triển mạnh mẽ. Hằng năm, Hội đồng liên kết vùng có thể tổ chức các Diễn đàn Kinh tế vùng.