Phát triển kinh tế vùng núi Ba Vì: Khi chính sách đi vào cuộc sống

Diệu Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Ba Vì có 7 xã miền núi gồm Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài với tổng dân số trên 77.400 người. Trong đó, có trên 28.700 người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều chính sách quan trọng được triển khai đã thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội nơi đây ngày càng phát triển.

 Hạ tầng nông thôn miền núi Ba Vì ngày càng được đầu tư khang trang góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Ảnh: Diệu Thu

Áp dụng nhiều chính sách quan trọng

Triển khai Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020”, trong vòng 5 năm trở lại đây, các xã miền núi huyện Ba Vì đã được đầu tư 198 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng kinh phí trên 2.685 tỷ đồng. Từ các nguồn hỗ trợ, hạ tầng giao thông, hệ thống kênh, mương thủy lợi được cứng hóa, công trình nước sạch, nhà văn hóa, trường học từng bước được xây mới, sửa sang, phục vụ nhu cầu đời sống của bà con.
Tại các xã vùng núi của huyện Ba Vì có 19/36 trường đạt chuẩn quốc gia. 7/7 xã miền núi của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các hoạt động tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được tổ chức thường xuyên. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cuối năm 2018 giảm xuống còn 9,77%. 

Trong sản xuất nông nghiệp, Ba Vì đã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Triển khai đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn”, nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng VietGAP được thực hiện. Đến nay, các xã miền núi Ba Vì có tổng diện tích chè đạt 1.750ha, năng suất bình quân đạt 9,5 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng chè mỗi năm đạt 16.625 tấn. Trong chăn nuôi, bò sữa trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực tại các xã miền núi. Theo đó, vùng núi có trên 7.000 con bò sữa, chiếm 80% số bò sữa toàn huyện Ba Vì, sản lượng sữa đạt 20.913 tấn/năm. Đặc biệt, 3 xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh hiện đã trở thành “thủ phủ bò sữa” của huyện Ba Vì.

Bên cạnh các chính sách về phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS cũng được quan tâm. Với việc triển khai đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa DTTS Ba Vì giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, nhiều chính sách được huyện Ba Vì xây dựng và triển khai.Trong đó, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, Dao được đẩy mạnh. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được phục dựng và tổ chức góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và thúc đẩy du lịch, dịch vụ vùng núi Ba Vì. Ở các xã miền núi có 43 làng được công nhận làng văn hóa; tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đạt 86,1%. Tỷ lệ số thôn có nhà văn hóa đạt 91,7%.

Hiệu quả bước đầu

Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, TP Hà Nội như một đòn bẩy để kinh tế vùng núi Ba Vì ngày càng đi lên. Tại 7 xã miền núi Ba Vì, đồng bào DTTS đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên làm ăn tích lũy cho bản thân và gia đình. Điển hình như xã Ba Vì, hệ thống đường giao thông trường học, y tế, điện, nước hợp vệ sinh được đầu tư hiện đại, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 16,04%. Không những vậy, các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề thuốc Nam truyền thống, giúp tăng thu nhập, giảm số hộ nghèo, đưa xã Ba Vì thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn.

Điểm lại chặng đường thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn (2014 – 2019), nhiều chỉ tiêu kinh tế, cơ sở hạ tầng, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, mục tiêu chương trình nông thôn mới các xã miền núi đã đạt kết quả quan trọng. Vùng đồng bào DTTS ổn định, an ninh chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng đạt 34 triệu đồng, số hộ nghèo giảm xuống còn 1.133 hộ, chiếm 3,69% . Kinh tế phát triển, Nhân dân các xã miền núi huyện Ba Vì có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Đến nay, khu vực miền núi đã có xã Ba Trại về đích nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần