Phát triển kinh tế xã hội năm 2020: Vẫn còn không ít thách thức. Ảnh minh họa |
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2020 tiếp tục ghi nhận những điểm sáng. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2019. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ghi nhận xu hướng phục hồi khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tô điểm thêm gam màu sáng vào bức tranh kinh tế 11 tháng qua là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2020 chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2019… Một trong những tín hiệu tích cực của nền kinh tế là số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực khi số DN thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; số DN quay trở lại hoạt động tăng 59,8%; số vốn đăng ký thành lập mới tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2020 ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam vẫn giữ vị trí xuất siêu ở mức kỷ lục là 20,1 tỷ USD…Nếu như trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hồi đầu năm và những thiệt hại lớn do hậu quả mưa lũ liên tiếp tại miền Trung trong tháng 10 và đầu tháng 11, dự báo về sự phục hồi của nền kinh tế khá thận trọng, thậm chí có những nhận định khó có khả năng tăng trưởng dương. Nhưng đến giờ phút này có thể khẳng định, kinh tế trong nước ghi nhận mức tăng trưởng, mặc dù dự báo trong khoảng 2 – 3% nhưng đó là kết quả của những nỗ lực, quyết tâm và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, DN và người dân.Mặc dù vậy, nhiệm vụ còn lại của năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 là rất nặng nề khi bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp… Song với việc kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; kiên quyết không lùi bước trước dịch bệnh, khó khăn, thách thức với không ít những chủ trương, chính sách được triển khai đã giúp nền kinh tế tìm được những thời cơ cho phát triển trước không ít những nguy cơ, thách thức. Không chỉ hỗ trợ các ngành, DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bảo đảm an sinh xã hội, những hoạt động giao thương, kết nối, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh; kinh tế số với sức mạnh của thương mại điện tử, giao thương trực tuyến… trên nền tảng công nghệ, kết nối 5G; tận dụng các cơ hội từ các FTA, RCEP đã và đang là điểm sáng để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.