Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phát triển kinh tế xanh: Nhiều chính sách ưu đãi đi kèm

KTĐT - Một số quan điểm cho rằng, kinh tế xanh chỉ được thực hiện ở những nước giàu. Tuy nhiên, nó đã và đang được thực hiện thành công ở nhiều nước đang phát triển. Việc "xanh hóa" nền kinh tế được các nước đưa ra nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường và đem lại công bằng xã hội.
“Xanh hóa” nền kinh tế

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nước như Cuba, Uganda đã có sự chuyển hướng sang nền nông nghiệp hữu cơ từ rất lâu. Đối với Cuba, đây là điều cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực làm suy kiệt quốc gia này từ đầu những năm 1990. Cuba đã biến sự thiếu hụt thuốc trừ sâu, phân bón và năng lượng thành một cơ hội hướng tới sự sản xuất hữu cơ với những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Tương tự, Uganda là nước sử dụng lượng phân bón hóa học thấp nhất thế giới, trung bình khoảng 1kg/ha so với trung bình trên toàn lục địa (9kg/ha). Việc ít phổ biến sử dụng phân hóa học là cơ hội thuận lợi để hướng tới hình thức sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trong lĩnh vực năng lượng, có thể kể đến việc sử dụng năng lượng mặt trời ở Barbados. Hiện nay, gần một nửa số đơn vị, hộ gia đình ở hòn đảo này sử dụng bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời dùng công nghệ năng lượng tái tạo. Tại Hàn Quốc, việc quản lý và tái chế rác thải không làm phát sinh chất thải đã khuyến khích việc tái sử dụng chất thải như một nguồn tài nguyên năng lượng. Dự án thu hồi nguồn khí từ các hố chôn lấp rác thải của Hàn Quốc là một dự án cơ chế phát triển sạch.  Trong vòng 10 năm, từ 2007 - 2017, nhà máy này dự kiến tiết kiệm cho Hàn Quốc khoảng 129 triệu USD.

Đối với Trung Quốc, 5 năm vừa qua, đã phân bổ một sự đầu tư đáng kể cho các lĩnh vực xanh với trọng tâm là năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Ngoài việc sử dụng năng lượng gió, quốc gia này đặc biệt chú trọng đến năng lượng mặt trời. Trung Quốc còn trở thành nước sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới và là thị trường lớn nhất thế giới trong lĩnh vực bình nước nóng đun bằng năng lượng mặt trời.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, lâm nghiệp cộng đồng chiếm một vị trí quan trọng, đã góp phần phục hồi tài nguyên rừng ở Nepal. Hay tại Tanzania, Chương trình biến đổi khí hậu - sự thích nghi và phát triển đã hỗ trợ quốc gia này thực hiện nghiên cứu cải thiện sinh kế thông qua việc quản lý khai thác gỗ.

Đi tắt, đón đầu về công nghệ

Là một nước đang phát triển, Việt Nam có nền nông nghiệp lâu đời với gần 80% dân số sống bằng nông nghiệp. Vị trí địa lý thuận lợi cho chúng ta một nền khí hậu đặc trưng nhiệt đới nên sản vật phong phú, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và trữ lượng lớn. Nền nông nghiệp đang phát triển với nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước và nền chính trị ổn định, xã hội thân thiện. Đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có được. Vì vậy, với những tiềm năng và thế mạnh trên, chúng ta có thể xây dựng kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế xanh hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo Thạc sỹ Cao Thị Thanh Nga, Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, để Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, chúng ta phải có những chính sách thích hợp để tạo cơ sở pháp lý, thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo hướng "xanh"; có các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển kinh tế xanh. Về công nghệ, chúng ta phải "đi tắt, đón đầu", ứng dụng các công nghệ và kỹ thuận tiên tiến, hiện đại vào các lĩnh vực của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, phải chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; chú trọng đầu tư và phát triển nông nghiệp bền vững; chú trọng công tác bảo vệ môi trường; đầu tư cho năng lượng tái chế và năng lượng sạch./.

“Xu thế phát triển kinh tế xanh trên thế giới mở ra cơ hội cho Việt Nam. Với vị trí địa lý nằm trong khu vực châu Á - một châu lục được đánh giá đang và sẽ phát triển năng động nhất trên thế giới, với nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu nhiệt đới đặc trưng, dân số trẻ cùng một nền chính trị ổn định, người dân cần cù chịu khó, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và lợi thế để tiến tới một nền kinh tế xanh.” - Thạc sĩ Cao Thị Thanh Nga - Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững

 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ