Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển mô hình trồng cây dẻ Trùng Khánh tại Bắc Giang

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhận thấy cây dẻ Trùng Khánh hay còn gọi dẻ ván Cao Bằng cho hạt to, giá trị kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông huyện Lục Ngạn đã thực hiện mô hình trồng thâm canh cây dẻ ván để lấy hạt đem lại thu nhập ổn định cho các hộ tham gia sản xuất.

Hạt dẻ là món ăn thơm ngon, béo ngậy, một món quà vặt được rất nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa
Hạt dẻ là món ăn thơm ngon, béo ngậy, một món quà vặt được rất nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa

Dẻ ván hay còn gọi là dẻ Trùng Khánh, dẻ Cao Bằng, dẻ Pố Tấu. Cây dẻ ván ghép có thể chịu hạn tốt và cũng chịu được điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, rất dễ trồng và dễ chăm sóc. Nơi trồng phải đủ ánh sáng và thường xuyên cung cấp đủ dưỡng chất để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Loại đất thích hợp là đất feralit đỏ, feralit đỏ vàng, đất badan, đất xám... thành phần cơ giới thịt nhẹ, tầng đất dày trên 50 cm, độ PH 5-8. Cây dẻ ván ghép không cao nên rất dễ thu hoạch quả. Có thể dùng tay hái, phơi để tách vỏ lấy hạt hoặc đợi hạt rụng rồi nhặt về đem cất trữ ở nơi thoáng mát.

Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng mới này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang gần đây đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn triển khai mô hình trồng thâm canh cây dẻ ván để lấy hạt với diện tích 2,5ha tại xã Phú Nhuận.

Theo đó, các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống, định mức 550 cây/ha; phân bón lót NPK 16-16-8, định mức 250 kg/ha. Hiện tại đã tiến hành chọn điểm, chọn hộ xong, chuẩn bị giao giống.

Cây dẻ ván là loài cây đặc hữu của Việt Nam, không chỉ có giá trị kinh tế cao, đáp ứng một phần nguồn gỗ cho xây dựng, làm đồ gia dụng,... mà hạt dẻ còn là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng làm thuốc. Tuổi thọ của cây dẻ Trùng Khánh khá cao, có thể khai thác đa giá trị như vừa lấy hạt vừa lấy gỗ, kết hợp với du lịch sinh thái. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều vùng đồi, núi khác ở Bắc Giang để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập cho người dân trong khu vực.