Phát triển nền kinh tế xanh: Xu thế phát triển tất yếu
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến tại hội thảo “Kinh tế xanh và phát triển bền vững”, diễn ra ngày 4/6 tại Quảng Ninh.
Nhiều khó khăn và thách thức
Tham dự Ngày Môi trường Thế giới và Năm quốc tế về năng lượng bền vững 2012 tổ chức tại Quảng Ninh, một quan chức ở đây nói vui với phóng viên rằng: “Quảng Ninh là địa phương ô nhiễm nhất Việt Nam”. Cũng có thể, bởi Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng khoáng sản có giá trị công nghiệp, đặc biệt là than đá, chiếm trên 90% trữ lượng của cả nước.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, Quảng Ninh đối mặt với nhiều thách thức và phải trả giá cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường không nhỏ do sự phát triển, tăng trưởng quá nóng. Mô hình tăng trưởng nóng tại Quảng Ninh gây ra các hệ lụy bởi ô nhiễm môi trường không khí do vận chuyển than, khoáng sản. Bên cạnh đó, địa phương phải chịu sự ô nhiễm môi trường do Nhà máy Nhiệt điện xả khói và ô nhiễm môi trường nước do khai thác khoáng sản. Địa phương phải giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp (khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, đóng tàu…) và sự đô thị hóa quá nhanh với việc phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên một địa bàn (đối với kỳ quan Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và danh thắng Yên Tử).
Công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới là công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng. Việc thay đổi công nghệ trong sản xuất là thách thức không nhỏ trong quá trình tiếp cận kinh tế xanh. Việc đổi mới công nghệ còn chậm, trong khi các hoạt động nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ mới chưa theo kịp tốc độ phát triển. Điều này dẫn đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí, phát sinh lượng lớn chất thải, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
Thêm một thực tế, nguồn vốn đầu tư cho việc thực hiện kinh tế xanh còn hạn chế, bởi Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nguồn vốn dự trữ quốc gia hạn chế. Việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường sử dụng tiết kiệm tài nguyên, điện, nước chưa được chú ý, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới đầu tư bảo vệ môi trường trong sản xuất. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng cũ, lạc hậu, thiếu sự lựa chọn là những khó khăn mà người tiêu dùng đang phải đối mặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới. Đây cũng là rào cản trên con đường đi tới xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam.
Từ tăng trưởng “nóng” sang tăng trưởng xanh
Hội thảo “Kinh tế xanh và phát triển bền vững”. Ảnh: Thái San
“Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ tăng trưởng “nóng” sang tăng trưởng xanh” là khẳng định của ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. “Để thực hiện được mục tiêu, gắn việc tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, Quảng Ninh triển khai lập quy hoạch bảo vệ môi trường đồng bộ cấp tỉnh và cấp huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; có giải pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường”, ông Hậu bày tỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) cho biết, VINACOMIN đã chủ động di dời các công trình sản xuất khỏi trung tâm các khu đô thị, nghiên cứu, xây dựng 32 trạm xử lý nước thải mỏ, chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; xây dựng các tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng, chấm dứt việc vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ... Ngoài ra, VINACOMIN đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Để phát triển nền kinh tế xanh, giải pháp được kỳ vọng nhất là bài toán vốn cho việc thực hiện xanh hóa nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm vốn để thay đổi công nghệ trong sản xuất, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Về vấn đề này, theo bà Dương Thị Phương Anh (Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam), trong thời gian tới, Quỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc.
Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2012, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam đã cho 139 dự án môi trường tại 37 tỉnh, thành vay 819 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để triển khai công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường...
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 chỉ rõ: Đến năm 2020, các cơ sở sản xuất - kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến |