Phát triển ngành nghề nông thôn: Khai thác thế mạnh sẵn có

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khai thác lợi thế sẵn có của từng địa phương để phát triển ngành nghề và đẩy mạnh xúc tiến thương mại là cách làm tốt vừa được Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ NN&PTNT chia sẻ với đại diện các tỉnh phía Bắc.

Đi từ thế mạnh của địa phương

Tháng 12/2008, JICA phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai dự án nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn Việt Nam tại 4 tỉnh miền núi phía Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình. Trong đó khai thác sản phẩm chủ lực của từng địa phương như: Táo mèo Bắc Yên (Sơn La), chè cổ thụ ở Tủa Chùa (Điện Biên), thổ cẩm Chiềng Châu (Hoà Bình)… Đến nay, sau 3 năm thực hiện dự án, những nghề này đã mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây. Ông Cầm Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, nhờ được hỗ trợ công nghệ chế biến rượu từ táo mèo (sơn tra), giá trị của thứ quả này đã được nâng lên rõ rệt. Hiện tại, mỗi hecta táo mèo cho thu 50 tấn quả, giá bán nguyên liệu để chế biến rượu 30.000 đồng/kg. Với mức này, nhiều hộ dân có thể có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nước ta có nguồn nguyên liệu thô dồi dào, sản phẩm nông nghiệp đa dạng và hơn 4.500 làng nghề. Đây là những thế mạnh để phát triển ngành nghề ở nông thôn, nhất là hai nghề chế biến nông sản và thủ công mỹ nghệ. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, chỉ có phát triển ngành nghề trên cơ sở tận dụng thế mạnh của địa phương mới mang lại hiệu quả bền vững.

Đối với Hà Nội, theo ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN & PTNT), thành phố có rất nhiều thế mạnh sẵn có. Trước hết, Hà Nội có số lượng sản phẩm làng nghề lớn nhất cả nước, sản phẩm đa dạng, thị trường rộng mở, giá trị xuất khẩu cao. Cùng với đó, ở khu vực ngoại thành có nhiều vùng sản xuất nông sản có thể xây dựng thành vùng nông nghiệp hàng hóa như chè, cây ăn quả, hoa, cây cảnh… Đây là những thế mạnh mà Hà Nội cần tận dụng để phát triển nghề cho nông dân.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Ông Koyama Fumio, Cố vấn cao cấp của JICA cho biết, để các ngành nghề phát triển bền vững, hoạt động xúc tiến thương mại, việc tìm đầu ra cho sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" của Nhật Bản cho thấy, nếu làm tốt xúc tiến thương mại sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh sản xuất. "Hiện nay nhiều người mua hàng Nhật Bản gặp khó khăn khi tiếp cận với người sản xuất Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực chế biến nông sản mà cả thủ công mỹ nghệ do rào cản ngôn ngữ và năng lực sản xuất. Do đó, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên trách để giải quyết những khó khăn này, để mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm" - ông Koyama chia sẻ.

Ông An Văn Khanh cho rằng, trong phát triển ngành nghề, vấn đề quan trọng là tìm được nghề người dân cần và làm ra sản phẩm thị trường có nhu cầu. Ngoài ra, phát triển làng nghề phải gắn với du lịch. Trong cuốn sách "10 câu chuyện quà tặng từ Việt Nam" do JICA xây dựng, Hà Nội góp mặt 4 sản phẩm, gồm: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), miến Cự Đà (Thanh Oai). Đây là những thế mạnh cần phát huy để phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch trên địa bàn thành phố.
 
Khai thác ngành nghề tại chỗ tạo được sự tin tưởng và hứng thú cho người dân là một hướng đi cần được nhân rộng và ứng dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Hồ Xuân Hùng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT