Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nhà ở cần quan tâm đến vật liệu xanh

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/3, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2023 lần thứ 1 đã diễn ra hội thảo "Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp" với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ban, ngành.

Hội thảo được tổ chức dưới sự hợp tác của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, dự án PEEB (Chương trình hiệu quả trong công trình).

Thông qua chương trình PEEB, GIZ hỗ trợ Hội Vật liệu xây dựng phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp xây dựng công trình nhà ở cacbon thấp, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, Phó trưởng Phòng nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Phạm Thị Thu Hà thông tin về tổng quan tình hình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) từ 2005 đến nay; vay ưu đãi cho người thu nhập thấp và định hướng sửa đổi Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.

Đáng chú ý, với Luật Nhà ở, dự kiến sẽ sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ với các pháp luật có liên quan. Về xác định giá bán, giá thuê mua, giá cho thuê NƠXH không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng: Giá bán được xác định trên cơ sở có tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của DN (chi phí tổ chức bán hàng, quản lý DN...), lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

Tại phiên hội thảo, TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã trình bày những thuận lợi, thách thức về vật liệu xây dựng pháp thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở, góp phần thực hiện "Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội".

"Các văn bản pháp luật hiện hành quy định vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường là đối tượng được chú ý tới cả quá trình sản xuất ra nó phải giảm thiểu sử dụng năng lượng, tài nguyên khoáng sản, chất thải, ô nhiễm và những tác động huỷ hoại môi trường" - TS Thái Duy Sâm nhận định.

 

Chương trình Hiệu quả năng lượng Nhà ở (dự án PEEB) là dự án được phối hợp xây dựng và triển khai giữa Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nhắm tới sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, giảm phát thải khí nhà kính và công trình nhà ở cacbon thấp.