Phát triển nhà ở xã hội: Cần vai trò từ người đứng đầu địa phương

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, giá bán nhà ở xã hội (NƠXH) tăng mạnh, nhưng sự thay đổi về giá của phân khúc sản phẩm này là do các loại vật liệu xây dựng tăng cao chứ không phải vì tăng chất lượng của sản phẩm, dự án...

Bộ Xây dựng vừa mới có Tờ trình số 28/TTr-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân.

Thiếu nguồn cung, giá bán cao

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách, hộ thu nhập thấp...

Nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên đến hết năm 2020, cả nước mới hoàn thành 249 dự án, với 5,21 triệu mét vuông, quy mô khoảng 104.200 căn hộ (đạt tỷ lệ 41,7% so với mục tiêu đề ra) và đến quý III/2022 cả nước đã hoàn thành 301 dự án, quy mô xây dựng 156.000 căn hộ (tổng diện tích hơn 7,79 triệu mét vuông sàn).

Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ đặt ra mục tiêu giá bán NƠXH không vượt quá 15 triệu đồng/m2 và thực tế mặc dù tốc độ trượt giá cao nhưng giá bán NƠXH trước năm 2019 cũng chỉ ở ngưỡng cao nhất là 16 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó, giá liên tục leo thang giống như các sản phẩm nhà ở thương mại, tăng bình quân từ 15 - 20% mỗi năm, nên thời điểm hiện tại giá bình quân đạt 20 - 22 triệu đồng/m2, cá biệt một số dự án đã đạt ngưỡng 25 triệu đồng/m2, một căn NƠXH khoảng 60m2 tương đương với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối với công nhân và người lao động chỉ có thể dành khoảng 20 - 25% thu nhập, tương đương từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, nếu giá một căn hộ như trên thì người dân rất khó có khả năng chi trả, cho dù được vay ưu đãi tới tận 15 năm.

“Khi phát triển NƠXH DN không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua NƠXH, giá bán đều do Nhà nước quyết định. Thời gian gần đây, giá bán NƠXH tăng mạnh, nhưng sự thay đổi về giá của phân khúc sản phẩm này là do các loại vật liệu xây dựng tăng cao chứ không phải vì tăng chất lượng của sản phẩm, dự án” - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.

Theo đánh giá, việc nguồn cung sản phẩm NƠXH khan hiếm khiến giá bán tăng cao trong thời gian qua là do vướng mắc về thủ tục hành chính và thiếu nguồn vốn để phát triển, bất chấp việc Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế ưu đãi cho DN đầu tư. Giai đoạn 2013 - 2016, Nhà nước đã dùng khoản ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phát triển NƠXH, được đánh giá là giai đoạn phát triển rất tốt, tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Nhưng đến giai đoạn 2017 - 2020, nhu cầu cần thêm 9.000 tỷ đồng làm “vốn mồi”, thực tế chỉ bố trí được 3.163 tỷ đồng, đáp ứng 35%. Trong khi đó, vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay vẫn chưa được bố trí. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển NƠXH...

Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc trong quá trình phát triển NƠXH thời gian qua.

Cụ thể, nhiều địa phương, đặc biệt người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, người lao động KCN; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc.

cạnh đó là việc thực hiện không nghiêm túc quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án (tổng diện tích đất ở đã bố trí để xây dựng NƠXH của cả nước là 3.359,07ha chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển đến năm 2020). Đồng thời, nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn cũng không được thực hiện theo đúng quy định...

Theo đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đề xuất nhóm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án NƠXH trong giai đoạn mới, trong đó có việc nâng cao vai trò của người đứng đầu các địa phương trong quá trình này.

Cụ thể, khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển KCN, khu nghiên cứu đào tạo... phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng NƠXH; đảm bảo quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ; coi phát triển NƠXH là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương; khi lập, phê duyệt quy hoạch KCN phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại DN trong KCN đó...

“Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân; lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư dự án NƠXH theo từng năm, từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương. Đồng thời phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng những dự án đang triển khai thực hiện, dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển NƠXH” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

 

"Để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tháo gỡ hai vấn đề chính. Một là, sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật Nhà ở, Luật Thuế, Luật Kinh doanh BĐS. Hai là, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, tạo phong trào phát triển NƠXH." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.