Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Gỡ rào cản để hút nguồn lực

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ rào cản, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC.

Nhiều rào cản
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, mặc dù trên địa bàn TP đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp CNC mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, song việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của TP vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Toàn TP mới có duy nhất 1 mô hình nông nghiệp CNC được Bộ NN&PTNT công nhận (mô hình trồng nấm kim châm hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại huyện Mỹ Đức). Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp danh mục 11 dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2025 với số vốn khoảng 6.700 tỷ đồng, tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng...
 Sơ chế trứng gà tại nhà máy của Công ty CP Ba Huân (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Ngọc Ánh
Lý giải về những vướng mắc mà TP đang gặp phải trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, hiện nay, DN muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC phải thực hiện giải phóng mặt bằng như các dự án đô thị, giao thông khác hoặc thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ.
Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án này tại Hà Nội cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành lân cận. Chưa kể, ở nhiều địa phương, nông dân bỏ ruộng hoang nhưng cũng không tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã thuê lại đất để thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC.
Thực tế cho thấy, thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC đang vướng phải không ít rào cản như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý môi trường, khu sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Đáng nói, để được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn, các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác trong khi tài sản được thế chấp vẫn giới hạn là quyền sử dụng đất, không tính đến tài sản gắn liền với đất.
Sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp CNC, các địa phương trên địa bàn TP cần quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên cơ sở lợi thế tự nhiên, khả năng đầu tư, cân đối cung cầu.
Cùng với đó, thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang để giao lại cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CN.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, các chính sách về vốn đầu tư cần được kết hợp, lồng ghép với chương trình, mục tiêu của Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội để tạo nguồn lực đủ mạnh cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng liên kết Nhà nước - nhà khoa học – DN - nông dân. Đồng thời, tạo cơ chế huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, TP cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình điểm làm nơi thực hành, tham quan để nâng cao hiệu quả quá trình đào tạo, tập huấn, từ đó nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất.
Hiện, Sở NN&PTNT đã kiến nghị TP điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản ứng dụng CNC; thí điểm một số loại hình chợ để các sản phẩm nông nghiệp CNC tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó, gồm: 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 40 mô hình chăn nuôi; 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm khoảng 32% giá trị nông nghiệp toàn TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần