Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Hiệu quả thấp nếu cứ tiếp tục rải mành mành

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có thể đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2020 đòi hỏi Hà Nội phải đầu tư có trọng tâm, tránh tình trạng rải mành mành như hiện nay.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp CNC tại Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức.
Chập chững ứng dụng
Số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua, một số DN đã ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, tuy nhiên tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được áp dụng CNC khá khiêm tốn. Hiện, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn TP mới chỉ đạt 25%, trong đó cao nhất là chăn nuôi đạt 33,5%; tiếp đến là lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; thủy sản đạt 13%.

Sản xuất rau an toàn tại Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện

Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến 157.200ha, chiếm 46,8% tổng diện tích đất toàn TP nhưng cũng mới chỉ có 119ha rau được trồng trong nhà lưới, 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và 5 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 458m2. Về canh tác hoa, mới có khoảng 110ha bước đầu ứng dụng CNC ở một số khâu và với quy mô nhỏ, tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện mới đạt 68,3ha, trong đó chỉ 0,1ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Về cây ăn quả, cũng chỉ có 924,5ha sản xuất ứng dụng CNC, chiếm 6,2% tổng diện tích. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mới chỉ là bước đầu và mang tính thử nghiệm.
Phân tích nguyên nhân vì sao DN ngại đầu tư CNC vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện, đa phần đất nông nghiệp do hộ gia đình quản lý có quy mô nhỏ, trong khi lại thiếu sự liên kết, hợp tác giữa DN với người nông dân. Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng nhiều chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. “Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cần có nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi việc tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn thì khó có thể kêu gọi DN tham gia” - bà Thoa nêu rõ.
Cần có cơ chế hỗ trợ
Tại buổi tọa đàm, nhiều DN, HTX  đề xuất, thời gian tới, TP Hà Nội nên quy hoạch khu nông nghiệp CNC để thu hút DN đầu tư. Bên cạnh đó, TP không nên đầu tư dàn trải mà nên tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh và phải phù hợp với điều kiện tại vùng sản xuất đó. Theo GS.TS Đỗ Năng Vịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền nông nghiệp: Muốn phát triển nông nghiệp CNC, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể, phát triển nông nghiệp CNC theo 2 phương thức: Xây dựng công viên nông nghiệp CNC (High-Tech Agriculture Park) Hà Nội. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng các khu nông nghiệp CNC ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù, đơn cử như quy hoạch vùng cây ăn quả, đa dạng sinh học với quy mô từ 1.000 -10.000ha, mô hình sản xuất lúa gạo liên xã, liên huyện, cơ giới hóa đồng bộ, gia công chế biến công nghiệp với quy mô từ 5.000 - 10.000ha…
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC đòi hỏi Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ vào lĩnh vực này, từ đó tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, nên đầu tư vào HTX bởi họ có sẵn quỹ đất, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn vốn trong khi DN phải đi thuê đất sản xuất nên giá thành sản phẩm không rẻ như mong muốn, dẫn đến thua lỗ. Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương cho rằng, việc hình thành một chuỗi liên kết từ sản xuất - quản lý - kinh doanh - tiêu thụ là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Tuy nhiên, để có thể xây dựng một nền nông nghiệp CNC, đòi hỏi cơ quan quản lý xây dựng các chính sách hỗ trợ DN cũng như triển khai dự án đầu tư quy mô, có tầm nhìn xa, không nên tổ chức thực hiện manh mún.