Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nền tảng căn cốt, trọng yếu để giữ vững thành quả cách mạng
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chủ đạo, luôn có quan hệ gắn bó hữu cơ, biện chứng, nhất quán trong tư duy lý luận và thực tiễn “hành trình khát vọng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người là kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, soi đường, đưa dân tộc ta đi đến những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ vững độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Toàn cảnh hội thảo khoa học Vận dụng sáng tạo ''Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại''. |
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, thời cơ, thách thức đan xen đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách, nặng nề hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, yếu kém. “Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước... tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống, phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động”.
Đón nhận thời cơ và đối diện thách thức, Đảng ta nhất quán thực hiện nguyên tắc đặt lợi quốc gia, dân tộc lên đầu, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng chỉ rõ: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là nền tảng căn cốt, trọng yếu để đảm bảo và giữ vững thành quả cách mạng, phát triển bền vững đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người... một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân... những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận T.Ư: Giá trị ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa là xây dựng một xã hội thực sự vì con người
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, từ việc Đảng ta vận dụng và phát triển học thuyết Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rút ra 5 giá trị cốt yếu đồng thời cũng là mục tiêu mà “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”. Đó là: Một xã hội mà sự phát triển là thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.
5 giá trị cơ bản mà chúng ta đang theo đuổi thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng, đang dần dần hiện thực hóa trong đời sống xã hội.
Từ những giá trị căn cốt và mục tiêu nhân văn đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định nhận thức lý luận tổng quát của Đảng ta về mô hình CNXH mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng. Đó là “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
PGS.TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giải quyết tốt những mối quan hệ lớn
Cùng với xác định hệ mục tiêu, những giá trị cụ thể của chủ nghĩa xã hội, Đảng ta xác định, phải nhận thức và giải quyết tốt những mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới về chính trị; quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới là minh chứng hùng hồn khẳng định chân lý: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Bên cạnh việc không ngừng phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng xác lập một hệ thống luận điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu, nội dung và phương pháp tiến hành tuân theo quy luật chung của thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn liền phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; gắn với phát triển kinh tế tri thức; lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có văn minh công nghiệp chiếm ưu thế trong sản xuất và đời sống xã hội; phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn.