Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển thương hiệu chè lam Thạch Xá

Bài, ảnh: Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Thạch, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất nổi tiếng với món bánh chè lam. Nhờ phát huy hiệu quả nghề truyền thống, mà đời sống của người dân nơi đây luôn được sung túc, đủ đầy.

 Làm chè lam tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
Đến làng Thạch, xã Thạch Xá, đi trên con đường bê tông khang trang, trong không khí của những ngày đầu năm mới, có thể cảm nhận rõ niềm vui của gia đình sau một năm làm nghề. Tương truyền, nghề làm bánh chè lam của làng có từ đời nhà Lê, khi nghĩa quân Lam Sơn qua làng, người dân trong làng đã tặng họ những phong lương khô được làm từ bột nếp trộn với mật mía để mang theo làm lương thực dài ngày. Kể từ đó, nghề làm bánh chè lam phát triển, mọi gia đình trong làng đều biết làm chè lam, cứ thế theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm chè lam phát triển cho tới ngày nay.
Chè lam là món quà quê được người làng Thạch sản xuất quanh năm, nhưng sôi động nhất là vào 2 tháng trước Tết và 2 tháng sau Tết Nguyên đán. Đây là khoảng thời gian người làng sản xuất hàng phục vụ cho thị trường Tết và lễ hội đầu năm. Từ một thứ quà quê dân dã, giờ đây chè lam Thạch Xá đã trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng, có nhãn mác, lôgô với bao bì sản phẩm thống nhất.
Năm 2015, chè lam Thạch Xá đã được cấp bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN. Đây là niềm vui cũng là niềm tự hào của người làng nghề, là động lực giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng bảo vệ uy tín, thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.

Hiện, sản phẩm của làng nghề đã vươn xa ra các tỉnh thành khác trong cả nước, nhờ đó đời sống người dân làng nghề cũng được nâng lên. Ông Nguyễn Trí Thủy – Chủ tịch Hội làng nghề chè lam Thạch Xá cho biết: Hiện toàn thôn có 70 cơ sở sản xuất thường xuyên, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường trên dưới 200 tấn chè lam thành phẩm.
Với giá bán dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, mỗi năm nghề làm chè lam đem về doanh thu khoảng 8 tỷ đồng cho làng nghề. Nghề làm chè lam tuy không có lãi suất cao, nhưng lại cho thu nhập đều, giúp ổn định đời sống cho người dân trong làng. Hiện nay, hầu hết các xưởng làm chè lam ở Thạch Xá đều đưa cơ giới vào như máy xay bột, máy nhào bánh… Nhờ có máy móc vừa đỡ tốn sức lao động, vừa đạt năng suất cao. Song điều quan trọng là người làng nghề vẫn luôn giữ được đủ hương vị của các loại nguyên liệu.

Khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay chính là mặt bằng sản xuất chật hẹp. Người dân chủ yếu tận dụng không gian sinh hoạt làm nơi sản xuất, vì vậy ảnh hưởng tới việc giữ gìn vệ sinh, an toàn cho sản phẩm, khó đầu tư mở rộng sản xuất. “Mong muốn lớn nhất của làng nghề là sớm có điểm công nghiệp tập trung để người dân có thể mở rộng sản xuất, phát triển du lịch làng nghề, từ đó khai thác hết tiềm năng của nghề truyền thống” – ông Thủy cho hay.