Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 18/1, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xác định rõ giải pháp và lộ trình thực hiện Đề án

Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.

Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích. Cụ thể là, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

99,5% thông tin công dân Thủ đô có trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

Trình bày tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, một trong số các nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy Hà Nội ban hành trong 10 chương trình công tác lớn giai đoạn 2021 - 2025 là “Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. Mục tiêu này đã được quán triệt sâu sắc trong nhận thức người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành Thủ đô. Năm 2021, với nguyên tắc “5K+ vaccine + công nghệ + ý thức người dân”; Thành ủy, UBND TP đã có nhiều cuộc họp với Bộ Công an để bàn và thống nhất triển khai các giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân trong quản lý xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị trực tuyến. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị trực tuyến. 

Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ đối với dự án Quốc gia về dân cư và căn cước công dân; Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt Công an TP phối hợp với các sở ban, ngành hoàn thành 2 dự án đúng tiến độ. Trong đó, đã cập nhật được 99,5% thông tin công dân thường trú trên địa bàn TP vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì thường xuyên đảm bảo dữ liệu “Đúng, đủ, sạch, sống”; Thu nhận trên 5,6 triệu dữ liệu cấp thẻ Căn cước công dân (đạt 97,7%) cho công dân trong độ tuổi có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP và thông báo số định danh cá nhân có tích hợp mã QR code cho 1,9 triệu (đạt 99,5%) công dân chưa đến độ tuổi hoặc chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp để phục vụ cho công dân sử dụng trong các thủ tục hành chính (kết hôn, thuế, xử phạt vi phạm giao thông, đăng ký khai sinh, khai tử…), tiêm chủng, quét mã QR để khai bảo y tế, khai báo di chuyển…

Bên cạnh đó, TP cũng đã triển khai ứng dụng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với 7,4 triệu dữ liệu bảo hiểm xã hội; Cập nhật và đồng bộ trên 7,9 triệu (đạt 60%, chủ yếu phụ thuộc vào Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông) thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 của công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay TP đã chỉ đạo đẩy nhanh việc đồng bộ dữ liệu thông tin công dân diện F0, F0 khỏi bệnh từ dữ liệu của cơ quan Y tế với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ...

Đáng chú ý, trong năm 2021, nhiều ứng dụng trên nền tảng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được TP triển khai mạnh mẽ như: Đăng ký cư trú trực tuyến, đăng ký phương tiện giao thông, đăng ký và kê khai thuế trực tuyến, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán bảo hiểm, cập nhật dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19, liên thông kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế, trợ cấp cho người dân và chủ cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…. Kết quả đã đem lại sự thuận tiện cho công dân khi thực hiện các giao dịch và hạn chế tối đa việc công dân phải đến trụ sở để giải quyết các thủ tục hành chính đồng thời giảm được chi phí đi lại cho người dân, phòng chống tiêu cực và góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố xác định việc thực hiện Đề án là một nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới; UBND TP đã bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để thực hiện hầu các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của Đề án trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội.

Để triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục tham mưu, xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù để sửa đổi, bổ sung, thay thế nhất là các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức thực hiện. Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông sớm đồng bộ dữ liệu tiêm chủng vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền Thành phố quản lý, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp quy định. Bộ Thông tin và truyền thống sớm có hướng dẫn về quy chuẩn của thiết bị để triển khai ứng dụng quét mã QR code trên thẻ căn cước công dân phục vụ các yêu cầu về phòng dịch, quản lý cán bộ và đảm bảo an ninh, trật tự.

Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành T.Ư rà soát, đánh giá toàn bộ dịch vụ công đang thực hiện để có hướng dẫn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Các Bộ, ban, ngành T.Ư cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất các phần mềm ứng dụng, kịp thời thay thế những hệ thống không còn phù hợp, không có khả năng kết nối liên thông.

Tại hội nghị, tham luận của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Tòa án Nhân dân tối cao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND một số tỉnh, thành phố… đã thể hiện quyết tâm của các ngành, các địa phương trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Nhanh chóng kết nối, liên thông dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực, khẩn trương triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện Đề án với các nhiệm vụ trọng tâm chính như: Đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án.

Nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vaccine, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin;

Đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bố trí đủ nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện; ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, hiệu quả triển khai Đề án. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan trong thời gian sớm nhất để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất tổ chức thực hiện hiệu quả.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Trước mắt, các bộ, ngành liên quan, xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị quyết, nghị định về đầu tư, xây dựng, phát triển, tích hợp, chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư phục vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; về quản lý, thu thập, chia sẻ dữ liệu cá nhân giữa các cơ quan quản lý Nhà nước...để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với việc triển khai quyết liệt, các cấp, các ngành sẽ thực hiện thắng lợi Đề án này, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam.

Hội nghị đã công bố quyết định phê duyệt danh sách và ra mắt Tổ Công tác triển khai Đề án gồm 16 thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm Tổ trưởng.