Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển văn hóa đọc: Không né tránh sự thật

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/4, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phòng trào đọc sách trong cộng đồng”.

Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá những mặt đã làm được và chỉ rõ hạn chế trong việc phát triển phòng trào đọc sách hiện nay, cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.
Chưa có văn hóa đọc
Những năm gần đây, hoạt động nhằm quảng bá và kết nối sách liên tục được triển khai trên khắp cả nước, với quy mô ngày càng lớn. Trong thời đại công nghệ số, cùng với sách in, sách điện tử đã ra đời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với sách hơn.
Chỉ tính riêng Hà Nội, hoạt động liên quan đến sách diễn ra đều đặn, nhiều sự kiện diễn ra thường niên thu hút bạn đọc như Hội Sách Xuân, Hội chợ Sách ở Hoàng Thành Thăng Long và Ngày Sách Việt Nam tại Công viên Thống Nhất. Bên cạnh đó, 5 năm qua, kể từ khi có Ngày Sách Việt Nam, toàn quốc có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản in.
 Người dân hào hứng tham gia lễ hội sách Xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Lại Tấn
Sách ngày càng nhiều, nghĩa là người dân ngày càng dễ tiếp cận. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất vừa được Cục Xuất bản, In và Phát hành công bố, thì bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được 1 cuốn sách/1 năm.
Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển phòng trào đọc sách trong cộng đồng”, đại diện nhiều bộ, ngành, đơn vị xuất bản đã chỉ ra các nguyên nhân như thiếu kinh phí, cơ sở vật chất thiếu thốn, sách in bị cạnh tranh trong thời kỳ công nghệ số…
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề từ góc độ thực tế, anh Nguyễn Quang Thạch – người đi bộ 1.750km từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh để đánh thức cộng đồng với chương trình “Sách hóa nông thôn” (người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí) cho biết: “Phỏng vấn trên 3.000 học sinh, sinh viên và người lớn trong chuyến đi bộ từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, tôi có số liệu như sau: 38 người biết đến cuốn sách “Những tấm lòng cao cả”, 20 người biết đến cuốn sách “Robinson Cruiso” và cuốn sách “Góc sân khoảng trời”. Trong khi đây là 3 cuốn sách được trích dẫn trong sách giáo khoa nhưng rất ít trẻ em biết đến”.
“Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc. Điều này được chứng minh rất dễ dàng rằng: Trước năm 1945, cả nước có hơn 90% dân số mù chữ. Từ năm 1945 đến năm 1975 lại chiến tranh liên miên nên việc đọc sách chưa phải là thói quen của toàn dân. Từ năm 1975 đến nay, đói nghèo, phát triển nóng và thiếu tư duy vĩ mô về thư viện, đã không thể tạo thói quen đọc cho số đông dân chúng trên bình diện quốc gia” - anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Không hô khẩu hiệu
Những năm gần đây, cụm từ "văn hóa đọc" gần như bị lạm dụng. Người ta hay đề cập đến khái niệm "văn hóa đọc", nhưng không phải lúc nào cũng chỉ ra được những hạn chế trong việc phát triển văn hóa đọc. Trong khi điều chúng ta dễ thấy nhất là trên học đường còn thiếu vắng những tiết đọc sách và không tạo được thói quen cho độc giả từ nhỏ.
Theo kết quả khảo sát của “Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam” tại 50 trường học ở các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình. Qua phỏng vấn ngẫu nhiên và lấy thông tin từ sổ mượn của thư viện, các con số cho thấy vùng thuần nông trung bình mỗi học sinh chỉ đọc khoảng 1 đầu sách/năm.
Các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn cao hơn, bình quân 5 đầu sách/1 học sinh/1 năm. Thái Bình là tỉnh đồng bằng, có dân trí thuộc nhóm cao nhất cả nước và kết quả thi đại học thường nằm trong top 10 của cả nước, nhưng tỷ lệ đọc sách cũng rất thấp.
GS. TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, từ nắm bắt và dự báo các xu hướng biến đổi việc đọc và văn hoá đọc đang diễn ra, ngành xuất bản của chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa. Trong đó, hoạt động xuất bản cần hoàn thành 3 nhiệm vụ kép gồm: Đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của người đọc vừa có trách nhiệm định hướng toàn diện về nhân cách con người; xử lý mối quan hệ giữa tôn trọng và thực hiện tính đa dạng, phong phú của các loại sách, của các đề tài và kiên trì đảm bảo cho dòng mạch chính của các xuất bản phẩm; xử lý mối quan hệ mới giữa xuất bản và phát hành.