Phát triển vùng rau an toàn Thanh Đa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của TP, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) đã từng bước triển khai vùng sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Hiệu quả từ nguồn đầu tư lớn

Con đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa dẫn chúng tôi tới cánh đồng bạt ngàn một màu xanh ở thôn Phú An. Gần trưa, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nga, ở đội 5 vẫn tranh thủ thu hái nốt số cà pháo đã đến kỳ thu hoạch. Chị Nga cho hay, gia đình canh tác 4 sào rau màu các loại. Mỗi năm 3 vụ, mùa nào trồng cây trái đó. Dù vẫn chịu những ảnh hưởng từ thời tiết, biến động của giá cả thị trường, nhưng nhìn chung thu nhập từ sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn “ăn đứt” cây lúa. Trừ chi phí sản xuất, mỗi sào canh tác của gia đình chị cho lợi nhuận trung bình khoảng 30 triệu đồng/năm.
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nga thu hoạch cà pháo trên cánh đồng thôn Phú An, xã Thanh Đa. Ảnh: Trọng Tùng
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nga thu hoạch cà pháo trên cánh đồng thôn Phú An, xã Thanh Đa. Ảnh: Trọng Tùng
Không chỉ gia đình chị Nga, toàn thôn Phú An có khoảng 330 hộ tham gia sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích được quy hoạch khoảng 30ha. Bà Hoàng Thị Ái Mơ – Trưởng Kiểm soát HTX Thanh Đa cho biết, sau khi phê duyệt dự án “Vùng RAT xã Thanh Đa” năm 2011, TP đã đầu tư khoảng 17 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phụ trợ cho việc phát triển vùng rau. Đến nay, toàn bộ các hạng mục thiết yếu như đường giao thông, nhà sơ chế, trạm điện, trạm bơm, hệ thống tưới đã cơ bản hoàn thành. Với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bà con nông dân thôn Phú An yên tâm, tích cực tăng gia sản xuất. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình nhà lưới trồng rau trái vụ, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Chưa hết băn khoăn  

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân ở thôn Phú An, việc sản xuất RAT chủ yếu vẫn theo hình thức “tiêu sản - tự tiêu”. Giá cả nông sản thiếu ổn định ảnh hưởng tới tâm lý của bà con. Bên cạnh đó, dù đã có trạm bơm và hệ thống tưới, nhưng các hộ hiện vẫn phải tự lấy nước vào đồng ruộng. Nguyên nhân, theo tìm hiểu là bởi nếu muốn cấp nước tưới theo hệ thống tự động, bà con phải… trả phí! Liên quan tới vấn đề này, bà Mơ cho biết, thực tế TP hỗ trợ hệ thống tưới, nhưng để vận hành, mỗi tháng xã phải chi phí khoảng 35 triệu đồng - một số tiền không nhỏ. Dù vậy, bà Mơ thông tin, mới đây, UBND xã Thanh Đa đã quyết định sẽ hỗ trợ hoàn toàn chi phí này để phục vụ công tác tưới cho bà con.

Dù mang lại giá trị kinh tế khá, tuy nhiên, RAT mới chỉ được tập trung sản xuất tại thôn Phú An. Từ thực tiễn mong mỏi của người dân, xã Thanh Đa đã chủ động quy hoạch đầu tư nhằm nhân rộng mô hình RAT theo tiêu chuẩn VietGAP thêm 20ha tại các thôn Thanh Vân và Thanh Mạc. Ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết, hiện, vùng RAT mới đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến đưa vào sản xuất từ cuối năm 2016. Để từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất, ông Mạnh kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, đầu tư 1ha nhà lưới theo danh mục hỗ trợ của dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, UBND huyện Phúc Thọ có cơ chế hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, để bà con không chịu thiệt thòi trước biến động giá cả và yên tâm sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần