Phe biểu tình Thái Lan tuyên bố tiếp tục chiến dịch lật đổ chính phủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/5, những người biểu tình đối lập ở Thái Lan tuyên bố tiếp tục duy trì chiến dịch lật đổ chính phủ, bất chấp việc quân đội nước này áp đặt tình trạng thiết quân luật nhằm dập tắt bạo lực chính trị.

Phát biểu trước những người ủng hộ, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng: "Ngày mai chúng ta sẽ vẫn ở đây. Chúng ta vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ của chúng ta theo kế hoạch để có được một Thủ tướng của nhân dân, một chính phủ của nhân dân. Quân đội áp đặt thiết quân luật này vì họ cần phải duy trì hòa bình và ổn định. Họ không thu hồi hiến pháp. Họ không ở vào giai đoạn một cuộc đảo chính quân sự. Họ không giành chính quyền. Hiến pháp vẫn còn tồn tại”.
Người biểu tình ở thủ đô Bangkok. Ảnh: News.com
Người biểu tình ở thủ đô Bangkok. Ảnh: News.com
Trước đó ngày 17/5, ông Suthep Thaugsuban khẳng định, nếu không có đủ người tham gia chiến dịch của ông nhằm gây sức ép buộc các bộ trưởng tạm quyền còn lại từ chức từ nay đến ngày 26/5 thì ông sẽ ngừng đấu tranh và tự giao nộp mình vào ngay ngày hôm sau. Ông Suthep hối thúc hơn 1 triệu người xuống đường trước ngày 26/5 để ủng hộ cuộc tập hợp của ông, nếu không, ông sẽ kêu gọi chấm dứt làn sóng biểu tình đường phố đã kéo dài hơn nửa năm qua.

Sáng 20/5, quân đội Thái Lan đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật mà không tiến hành tham vấn chính phủ. Theo luật pháp Thái Lan, các tư lệnh lực lượng vũ trang có quyền đơn phương thiết lập tình trạng thiết quân luật trước những bất ổn bạo lực hoặc sự xâm lược của nước ngoài. Giới chức quân đội khẳng định đây “không phải là một cuộc đảo chính” mà chỉ là hành động nhằm khôi phục trật tự trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tình trạng bạo lực chính trị leo thang.

Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết, tình trạng thiết quân luật sẽ được duy trì đến khi hòa bình và trật tự được lập lại. Ông khẳng định quân đội sẽ có biện pháp bảo vệ dân thường, đồng thời hối thúc các phe phái chính trị đàm phán tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Khủng hoảng Thái Lan rơi vào bế tắc sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện hồi tháng 12/2013. Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm hồi đầu tháng này khi tòa án Thái Lan cách chức bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các vì cáo buộc lạm quyền. Trong nhiều tháng qua, phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội khi họ liên tục tìm cách lật đổ chính phủ hiện nay. Bạo lực và xung đột đã khiến 27 người chết và hàng trăm người bị thương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần