Vi phạm phức tạp
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, từ lâu tình trạng đổ trộm rác thải, tự ý san gạt mặt bằng vẫn diễn ra một cách phức tạp. Tại những vị trí đang bị lấn chiếm, lổn nhổn gạch, vữa, xi măng, rác thải như nilong, xốp và nhiều vật liệu dễ cháy... Theo cảnh báo của các chuyên gia, đây là tác nhân gây ra hàng loạt hệ lụy về môi trường, sức khỏe con người trong tương lai. Đáng nói, tình trạng vi phạm tại đây đã diễn ra trong suốt nhiều năm nhưng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng gặp bế tắc trong khâu xử lý.
Đặc biệt là tại vị trí đất nông nghiệp của các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc dự án Cơ sở 2 Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Trong đó, báo cáo của UBND phường Mễ Trì, trên khu đất nông nghiệp Mười Cột có diện tích vi phạm là hơn 3.000m2; khu đất nông nghiệp Thầu Đâu hơn 1.000m2; khu đất nông nghiệp Cửa Năng là hơn 5.000m2 và vẫn đang có hiện tượng tiếp diễn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện UBND phường Mễ Trì cho biết, từ năm 2019 phường phát hiện có tình trạng một số đối tượng đối tượng tiến hành đổ trộm phế thải và có hiện tượng san lấp mặt bằng, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng đất nông nghiệp của các hộ dân cũng như vi phạm hành lang quản lý an toàn cho hệ thống thoát nước. Do đó, lãnh đạo UBND phường đã yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn phải tập kết phế thải đúng nơi quy định. Đồng thời giao Công an phường có trách nhiệm quản lý, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý triệt để.
Mặt khác, UBND phường Mễ Trì đã có nhiều văn bản đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng trên. Tuy nhiên, thực tế vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Thậm chí, mặc dù chủ đầu tư đã dựng rào quây chống lấn chiếm và đổ trộm rác thải, phế thải nhưng nhiều đối tượng vẫn cố tình phá dỡ nhằm tạo lối đi để tiếp tục vi phạm.
Tránh xử lý bề nổi
Nhận định về vấn đề GPMB không đạt đúng tiến độ, chuyên gia môi trường - TS Nguyễn Phương Đông - Khoa Môi trường, Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng có nhiều hệ lụy. Trong đó, khi dự án bị chậm triển khai sẽ dễ xảy ra việc đất bị sử dụng sai mục đích. Mặt khác, tình trạng lấn chiếm, đổ trộm rác thải, vật liệu còn khiến ngân sách bị tiêu tốn khi triển khai thi công vì phải di chuyển, dọn dẹp để hoàn trả mặt bằng.
Theo TS Nguyễn Phương Đông, để ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, các cơ quan cần lập Tổ công tác chống lấn chiếm có sự tham gia của địa phương, lực lượng chức năng cùng các sở, ban, ngành để quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, việc tăng cường, siết chặt quản lý về mặt hành chính chỉ là bề nổi.
Về lâu dài, cơ quan có trách nhiệm trong công tác GPMB cần sớm hoàn thiện, thực hiện dứt điểm để tránh làm phức tạp tình hình và mất lòng tin của người dân. Trong đó, giải pháp về nguồn vốn phải được cân đối bố trí thích hợp, đặc biệt là nguồn kinh phí để chi trả cho bồi thường GPMB. Công tác này cần thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch, đảm bảo tính thuyết phục, hạn chế đến mức thấp nhất thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi.
Cơ quan được giao nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB phải phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có đất thu hồi, bằng nhiều hình thức đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi. Trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương của Nhà nước, cùng đóng góp trong bảo vệ tài nguyên, đất đai và môi trường.
Rất nhiều cá nhân, DN tự ý dùng phần đất nông nghiệp chưa hoàn thành GPMB làm nơi tập kết phế thải. Sau đó, lợi dụng tính giáp ranh để xâm lấn vào các dự án và làm phình to diện tích vi phạm. Trong khi đó, do việc bàn giao mặt bằng chưa dứt điểm nên vai trò được phân chia cho nhiều đơn vị, dẫn đến tình trạng các bên đá bóng trách nhiệm, thiếu quyết liệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý không theo kịp thực tế.
TS Nguyễn Phương Đông - Khoa Môi trường, Đại học Mỏ - Địa chất