Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phí BOT tại Việt Nam: Quản lý trên trời, cuộc đời dưới đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/4, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị giao ban quý I/2016. Tại hội nghị, trước ý...

Kinhtedothi - Ngày 12/4, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị giao ban quý I/2016. Tại hội nghị, trước ý kiến của dư luận về việc mật độ và mức phí của các trạm thu phí BOT quá dày, quá đắt gây khó cho các DN vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, mức phí tại các trạm thu phí BOT của Việt Nam hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á (?).

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT, mức tính phí trên km đường đầu tư bằng hình thức BOT tại Trung Quốc khoảng 1 Nhân dân tệ/km (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km (tương đương khoảng hơn 10.000 đồng/km), còn tại Việt Nam mức trần là 2.000 đồng/km… Mức phí trên đường cao tốc ở Việt Nam hiện đang thực hiện thu là 1.000, 1.200 và 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km.
Trạm thu phí BOT trên đường Võ Văn Kiệt.	 Ảnh: Công Hùng
Trạm thu phí BOT trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Công Hùng
Cũng tại Hội nghị, đề cập đến việc Bộ GTVT có xem xét việc mua lại quyền thu phí tại các trạm BOT hay không, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Hiện, ngân sách Nhà nước rất khó khăn nên mới phải kêu gọi DN tham gia đầu tư. Nhà nước sẽ thông qua thu phí của người dân để hoàn trả DN thành nhiều năm chứ nếu có tiền thì Nhà nước đầu tư luôn chứ Nhà nước mua lại làm gì?". Lý giải thêm về việc này, ông Trường cho rằng, một số nước trên thế giới có đặt ra vấn đề mua lại các trạm thu phí BOT nhưng đó là khi nền kinh tế phát triển, GDP trên đầu người đạt ở mức 15.000 USD/người/năm trở lên, chứ ở Việt Nam hiện nay mới đạt xấp xỉ 3.000 USD thì rất khó để mua lại.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT cho rằng, sự so sánh của Thứ trưởng Bộ GTVT quá khập khiễng, chỉ dựa vào cảm tính mà không đề cập đến điều kiện kinh tế của người dân. Điều này chẳng khác gì cơ quan quản lý Nhà nước ở trên trời còn cuộc đời thì ở dưới đất.

Thậm chí, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận xét, tuyên bố này lại một lần nữa thể hiện tâm lý bảo thủ của các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp thu ý kiến của người dân, DN vận tải. Theo ông Liên, muốn so sánh một vấn đề, hiện tượng nào đó người ta cần phải dựa vào rất nhiều yếu tố. Đối với phí BOT, cần phải xem xét các yếu tố như thu nhập bình quân đầu người, tổng giá trị đầu tư, chất lượng đường… chứ không nên chỉ nhìn vào một con số. “Dường như các cơ quan quản lý đang quên đi sức chịu đựng của người dân, không thể so sánh việc người điều khiển xe biển xanh, tiền phí BOT đã được Nhà nước trả bằng tiền thuế của người dân với việc người dân phải tự trả tiền” – ông Liên nhấn mạnh.