Chuyến tàu lịch sử
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chọn một cách thức, mà theo hãng thông tấn AP là đậm chất rất cổ điển, khi sử dụng tàu hỏa để tới Việt Nam.Hành trình dài hơn 3.000km của phái đoàn do Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dẫn đầu diễn ra trên chuyến tàu sơn hai màu xanh, vàng, khởi hành từ Thủ đô Bình Nhưỡng đến thị trấn biên giới Lào Cai, Việt Nam. Quãng đường hơn hai ngày rưỡi chắc chắn tốn nhiều thời gian so với một chuyến bay, nhưng được đánh giá là sự nâng tầm rõ rệt của ông Kim Jong Un so với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore. Thay vì sử dụng một chiếc máy bay được gắn cờ Trung Quốc mượn từ chính quyền Bắc Kinh như trong lần Thượng đỉnh đầu tiên, Chủ tịch Kim xuất hiện tại Việt Nam từ con tàu nổi tiếng của đất nước mình, với thảm đỏ chào đón rợp hoa và cờ hai quốc gia Việt Nam và Triều Tiên. Theo AP, hình ảnh đó chứa đựng nhiều thông điệp giá trị với người dân Bắc Triều, khi khẳng định vị thế chủ động, tránh lệ thuộc nơi Nhà lãnh đạo tối cao của đất nước.Hơn cả, lựa chọn của Chủ tịch Kim Jong Un ít nhiều đã gợi nhắc về người ông nội của mình, khi khắc sâu trong lòng nhiều lớp người Triều Tiên là hình ảnh cố lãnh đạo vĩ đại Kim Nhật Thành công du bằng tàu hỏa – phương tiện đưa ông qua Liên Xô, Đông Âu và nhiều nơi khác nữa trong đó có cả Việt Nam, vào năm 1964. Thậm chí một mô hình tàu hỏa cũng được trưng bày vĩnh viễn tại lăng mộ nơi ông Kim Nhật Thành và con trai - cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il yên nghỉ.Tuy nhiên, xét trên yếu tố lịch sử, trong khi các chuyến công du nước ngoài của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il thường hiếm khi được công bố cho đến khi nó kết thúc thì Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong Un được đánh giá là tỏ ra cởi mở hơn rất nhiều. Chuyến đi tới Việt Nam là một minh chứng, khi báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã nhanh chóng thông báo về sự có mặt của Nhà lãnh đạo trên chuyến tàu Bình Nhưỡng - Lào Cai sau chưa đầy nửa ngày xuất phát, cùng hình ảnh ông Kim Jong Un vẫy tay chào từ cửa một toa tàu. Tờ báo cũng cho biết các nhà máy, mỏ than và những nơi làm việc khác trên khắp đất nước đều sôi nổi bàn luận về chuyến thăm của nhà lãnh đạo nước này tới Việt Nam. Những thay đổi trong bước đầu chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai của chính quyền Bình Nhưỡng đang thắp lên cho quốc tế niềm hy vọng về sự cải cách và mong muốn mở cửa thật sự nơi Nhà lãnh đạo trẻ tuổi. Tổng thống Trump, trước khi lên đường tới Hà Nội cho Thượng đỉnh ngày 27 - 28/2, đã khẳng định, Triều Tiên sẽ trở thành cường quốc về kinh tế nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân.Và để có được điều đó, một tuyên bố hướng đến việc chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 là mục tiêu tối thượng cần đạt được tại Thượng đỉnh lần này. Thời điểm lịch sử, với những bước chuyển mình đầu tiên được đánh giá cao, liệu Chủ tịch Kim Jong Un có thành công với sứ mệnh tại Hà Nội như truyền thông quốc tế nhận định?Kỳ vọng đạt được “bước đi mới”Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 26/2, một ngày trước khi lãnh đạo Mỹ - Triều khởi động Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đạt được “bước đi mới” hướng tới phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. “Năm nay, cả thế giới đang đối mặt với cả hy vọng và thách thức. Đặc biệt tuần này là một giai đoạn vô cùng quan trọng và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế” – ông Vương Nghị nói.Ông Kim Jong Un đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1 năm nay và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc gặp diễn ra trước khi Bình Nhưỡng và Washington quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai. Theo Yonhap News, ông Kim Jong Un và ông Trump tuần này có thể sẽ tập trung vào triển khai chi tiết hơn thỏa thuận họ đã đạt được ở cuộc gặp lần thứ nhất, khi thỏa thuận này được cho thiếu những bước đi cụ thể để Triều Tiên kết thúc chương trình hạt nhân.Trả lời trên CNN, Tong Zhao làm việc tại Chương trình chính sách hạt nhân của Carnegie có trụ sở tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Tsinghua bày tỏ, nếu Tổng thống Mỹ Trump sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận tập trung vào việc đóng băng các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và ngăn chặn sự tiến bộ hơn nữa của họ, trái ngược với việc loại bỏ các yếu tố cốt lõi của các khả năng hiện có, điều đó sẽ giúp ông Kim đạt được mục tiêu quan trọng nhất của mình.Trả lời TTXVN tại Nga, GS Georgi Toloraya - Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên nhận định Mỹ dường như đã chấp nhận việc Triều Tiên sẽ dần dần cung cấp thông tin về toàn bộ hoạt động chế tạo hạt nhân của nước này, tùy theo các bước đi đáp lại của Mỹ. Tuy nhiên, GS Toloraya không loại trừ một sự đổ vỡ bất chấp hai bên đang có dấu hiệu xích lại gần nhau sau các cuộc đàm phán sơ bộ trong thời gian qua. Hiện lập trường của Mỹ đang dần mềm mỏng hơn, trong khi Triều Tiên chưa thể hiện thái độ tương tự. Do đó, GS Toloraya dự báo Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai có thể đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhưng cũng có thể sẽ kết thúc mà không đạt được tiến triển, song điều này là ít khả thi.Về nước chủ nhà Việt Nam, GS Toloraya nhận định vai trò của Việt Nam đang được củng cố, với việc Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào các công việc quốc tế.