Lợi nhuận bị bào mòn vì phí cao ngất ngưởng
Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt ở các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ... Gần đây, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt khiến chi phí xuất, nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều DN. Hiện, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không đã tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch.
Đơn cử, trước khi xảy ra dịch Covid-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000 - 3.000 USD/container, sau đó đã tăng lên 10.000 USD/container và hiện tại là 14.000 - 15.000 USD/container 40 feet. Hay giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi Mỹ là khoảng 1 - 1,8 USD/kg, nhưng hiện nay đã lên mức 17 - 18 USD/kg.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (tỉnh Đồng Nai) Quách Thuận Đức chia sẻ: “Giá vận chuyển hàng hóa gần hai năm qua liên tục tăng khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì tất cả chi phí đều được cộng vào giá thành của sản phẩm. Hiện nay, phí vận chuyển đi châu Âu, Mỹ tăng gấp hơn 10 lần so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, nhưng giá bán hàng chỉ tăng nhẹ. Vì thế, công ty tính toán lại tất cả khâu trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí để bù lại”.
Không chỉ chi phí logistics tăng mà thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài thêm 1,5 - 2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Đơn cử như trước đây, DN vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Hoa Kỳ mất từ 30-35 ngày, nhưng hiện tăng lên 45-60 ngày. Điều này buộc các DN xây dựng lại toàn bộ kế hoạch sản xuất ngắn hạn, trung hạn cho phù hợp với tình hình thực tế. Hầu hết DN đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng thêm.
Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 97% DN logistics vừa và nhỏ bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế, nhưng hiện nay khoảng 20% DN logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn.
Cách nào kéo giảm chi phí logistics?
Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới khiến cho chi phí hàng hóa của Việt Nam tăng theo và làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á. Do đó, việc triển khai giải pháp kéo giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
DN phải chủ động phát triển, ứng dụng các giải pháp logistics nâng cao hiệu quả quản trị DN trong tình hình mới nhằm tối ưu hóa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, giải phóng hàng tại cảng đơn giản, nhanh chóng để giảm chi phí, thời gian cho DN.
TS Trịnh Thanh Thủy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương)
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục biến động rất khó kiểm soát do phụ thuộc giá xăng dầu thế giới và tình hình chính trị, các DN có thể kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ của nhà nước như: cắt giảm thuế nhập khẩu, thuế môi trường tại các thời điểm.
Đưa ra giải pháp giúp DN giảm gánh nặng phí logistics, Trưởng ban Vận tải – Hiệp hội Logistics Việt Nam Võ Thị Phương Lan cho rằng, DN xuất nhập khẩu cần chủ động thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách “swap container” - có nghĩa là khi nhập khẩu một lượng nguyên liệu về, DN thỏa thuận với hãng tàu giữ lại số container rỗng để chuyển hàng xuất khẩu và ngược lại. Việc này giúp hoạt động xuất nhập khẩu không bị gián đoạn do phải chờ container rỗng và đặt chỗ trên tàu, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian vận chuyển.
“Các DN cũng cần tìm kiếm đại lý hãng tàu cấp 1, có uy tín trên thị trường để hạn chế tình trạng đặt chỗ qua tay nhiều đại lý dẫn đến giá cước vận chuyển và phụ phí bị đẩy lên cao so với giá công bố của hãng tàu. Đồng thời, phải nắm rõ và kiểm soát được cấu trúc chi phí vận chuyển theo từng tuyến, theo từng đơn vị hàng hóa để có lựa chọn tối ưu cho việc vận chuyển” – bà Võ Thị Phương Lan khuyến nghị.
Theo TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), về lâu dài, các DN logistics và DN sản xuất cần kết hợp chặt chẽ với nhau để giảm thời gian vận chuyển hàng hoá, giảm thiểu những thủ tục rườm rà trong xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, các DN liên kết để mua bán nguyên liệu trong nước, thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc tăng giá; liên kết để chia sẻ đơn hàng… Đây được coi là giải pháp ưu việt đối với DN Việt Nam nhằm thích ứng với mọi hoàn cảnh để phát triển.