Phía sau “cổng Mặt trời”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc hàng trăm nhà hoạt động của Palestine dựng khoảng 20 lều lớn tại khu vực mà Israel dự định xây các khu định cư và đặt tên là "cổng Mặt trời" đã thể hiện nguyện vọng xây dựng một quốc gia thống nhất, hòa bình.

Tuy nhiên, phía sau "cổng Mặt trời" ấy, vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết để thiết lập sự ổn định cho khu vực Trung Đông.

Đúng như dự đoán, cuộc gặp ba bên giữa Đặc phái viên Liên Hợp quốc và Liên đoàn Arập về Syria, ông Lakhdar Brahimi với các đại diện chính quyền Nga và Mỹ tại Geneve đã kết thúc hôm 12/1 mà không đạt được bước đột phá nào trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Sau hơn 5 giờ đàm phán, ngoài việc tái khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình cho Syria, các bên đã không vạch ra được một kế hoạch cụ thể.
 
 
Phía sau “cổng Mặt trời” - Ảnh 1
 
Lều trại được dựng lên tại "cổng Mặt trời".

Cùng ngày, Nga đã kêu gọi khởi động tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria đồng thời tái khẳng định chỉ có người dân Syria mới quyết định được số phận của mình, chứ không phải nhờ vào bất kỳ một sự can thiệp nào từ bên ngoài.

 Trong khi đó, bất chấp thời tiết giá lạnh bất thường đang khiến Trung Đông chìm trong tuyết trắng, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Syria khi lực lượng đối lập tiếp tục mở các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát sân bay quân sự Menagh gần thành phố chiến lược Aleppo.

Tại châu Phi, những diễn biến dồn dập trong hai ngày cuối tuần đang báo hiệu về một trận bão bất ổn mới sẽ càn quét qua khu vực. Suốt một tuần qua, tại thị trấn Ben Guerdane của Tunisia, gần biên giới với Libya đã liên tục diễn ra các cuộc biểu tình phản đối điều kiện sống nghèo khổ và đỉnh điểm là cuộc đụng độ giữa người dân với lực lượng cảnh sát hôm 12/1. Cùng ngày, vụ Lãnh sự ltalia tại thành phố miền Đông Benghazi của Libya thoát chết sau vụ xả súng của một nhóm phiến quân đã nối dài danh sách các mối nguy hiểm tiềm ẩn cho các nhà ngoại giao quốc tế tại đây.

Ở Tây Phi, bầu không khí chính trị khu vực trở nên căng thẳng hơn khi chiến dịch không kích các nhóm vũ trang Hồi giáo tại phía bắc Mali của Pháp bước sang ngày thứ 2. Hiện, các quan chức Mỹ, Anh đang cân nhắc kế hoạch hỗ trợ Pháp về mặt thông tin tình báo, hậu cần, trong khi những nước láng giềng Tây Phi cũng đang bắt đầu kế hoạch triển khai lực lượng quân sự nhằm ngăn chặn các nhóm vũ trang mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên tại Cộng hòa Séc với một danh sách các ứng cử viên thân thiện với châu Âu đã phải tiến hành bỏ phiếu vòng 2 dự kiến vào ngày 25 - 26/1 tới. Tại Mỹ, sau khi quyết định "pha loãng" thành phần nội các với sự hiện diện của một nhân vật thuộc đảng Cộng hòa - ông C.Hagel trong vai trò là ông chủ Lầu Năm Góc, Tổng thống B.Obama đã chính thức bổ nhiệm ông Jack Lew, Chánh văn phòng Nhà Trắng, làm Bộ trưởng Tài chính thay ông Timothy Geithner. Với kinh nghiệm khi còn đảm đương vị trí Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, ông Jack Lew được kỳ vọng là sẽ giải quyết những khó khăn về kinh tế, kiểm soát mức nợ công ngày càng tăng, cũng như điều chỉnh ngân sách bền vững.