Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên chất vấn 4 tư lệnh ngành sẽ "nóng" trong tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 7?

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày (từ 4/6 đến sáng 6/6).

4 Bộ trưởng giải trình chính về các nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm.
Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi. Đây là một trong những hoạt động được cử tri, nhân dân và các đại biểu mong đợi, kỳ vọng, bởi sức "nóng" từ những nội dung được lựa chọn.
Tại phiên chất vấn, Quốc hội đã lựa chọn 4 Bộ trưởng: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia giải trình chính về các nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm. Ngoài trách nhiệm trả lời chất vấn chính của 4 Bộ trưởng trên, lãnh đạo Chính phủ sẽ giải trình thêm các vấn đề do đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến điều hành chung của Chính phủ.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm sẽ giải trình về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; hoạt động "tín dụng đen", băng nhóm "xã hội đen"...
Ngoài ra, Đại tướng Tô Lâm cũng dự kiến trả lời chất vấn về đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm an toàn giao thông; nhất là các trường hợp tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở nhóm vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Ngày làm việc thứ hai của phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn của đại biểu nhóm vấn đề thứ ba. Tập trung giải đáp vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém. Bên cạnh đó là các vấn đề về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới...
Ở nhóm vấn đề cuối cùng, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh...
Cùng với đó các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan; Bộ trưởng các bộ khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình để làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan.
Cũng trong tuần làm việc thứ 3, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thảo luận tại hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.