Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo chạy khỏi Kobani

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu hôm 8/10 đẩy lui các phiến quân IS khỏi thị trấn Kobani gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, loại bỏ nguy cơ "thảm họa nhân đạo" nếu chúng chiếm giữ khu vực này.

Khói bốc lên dữ dội sau các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh vào Kobani hôm nay. Ảnh: Reuters
Khói bốc lên dữ dội sau các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh vào Kobani hôm 8/10.
"Hiện chúng ở bên ngoài các lối vào thành phố Kobani. Các trận nã pháo và ném bom rất hiệu quả và kết quả là các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đẩy lui khỏi nhiều vị trí", Reuters dẫn lời Idris Nassan, cấp phó phụ trách ngoại giao của người Kurd ở quận Kobani, cho biết.

Theo ông Nassan, đây là cuộc rút quân lớn nhất của các phiến quân Hồi giáo từ khi chúng tiến vào thành phố và họ "có thể coi đây là khởi điểm cho cuộc thoái lui của IS khỏi khu vực này". Phóng viên Reuters cho biết họ nghe thấy tiếng hỏa lực dữ dội từ sáng tay từ bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tay súng IS đã bao vây ba phía của Kobani suốt nhiều tuần. Hôm 7/10, chúng giương cao hai lá cờ đen biểu tượng trên sườn phía đông của Kobani. Nếu chiếm được Kobani, IS sẽ kiểm soát được một dải dài biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, củng cố sức mạnh ở phía bắc Syria và nước láng giềng Iraq. Ít nhất 400 người thiệt mạng trong ba tuần giao tranh ở Kobani và 160.000 người Syria đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.

Từ hôm 7/10, Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các cuộc không kích nhằm đảo chiều bước tiến của phiến quân ở khắp phía bắc Syria và Iraq.

Hôm 7/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Kobani "sắp thất thủ". Nhà lãnh đạo đang đối mặt với sự phản đối ngày càng lớn từ những người Kurd ở nước này do ông từ chối ủng hộ quân sự cho thị trấn ở bên kia biên giới. Người Kurd ở Thổ có nhiều mối liên hệ họ hàng, gia tộc với những người Kurd ở Kobani của Syria.

Mục tiêu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định rằng chiến dịch không kích vẫn chỉ tập trung vào IS. Tân đại sứ của Liên Hợp Quốc tại Syria hôm 7/10 cảnh báo về "thảm họa nhân đạo" khi thị trấn chiến lược Kobani có nguy cơ rơi vào tay phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và kêu gọi quốc tế ứng phó khẩn cấp. Ông Staffan de Mistura cho rằng các nước cần có "hành động cụ thể" và phải can thiệp vào Kobani để cứu những người Kurd bị mắc kẹt ở thị trấn sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này.