Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 20/5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) và 8 đồng phạm.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 1
Bầu Kiên  và các đồng phạm tại phiên tòa sáng nay. (Ảnh chụp qua màn hình tại TAND TP Hà Nội
Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) bị truy tố 4 tội danh: "Kinh doanh trái phép"; "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế". Hai bị cáo Trần Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến - kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều là nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải - nguyên Tổng Giám đốc ACB; Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn - nguyên thành viên Thường trực HĐQT ACB, bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỷ đồng...

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 2

Nhiều phóng viên đã có mặt từ sáng sớm trước cổng Tòa án TP Hà Nội để dự phiên tòa.
Sáng nay, tại khu vực TAND TP Hà Nội, trước phiên tòa xét xử lại vụ án bầu Kiên và đồng phạm, an ninh tại khu vực được tăng cường, việc ra vào khu vực xét xử được kiểm tra chặt.
Người nhà bầu Kiên đến dự phiên tòa.

Người nhà bầu Kiên đến dự phiên tòa.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 3

Phóng viên được dự phiên tòa tại hội trường riêng.
HĐXX gồm: Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội). Thẩm phán Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh tòa Hình sự giữ vai trò thẩm phán. Ngoài ra HĐXX còn có 3 hội thẩm nhân dân.

Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là Đào Thịnh Cường và Đỗ Thị Thu Yến.

8h30: Chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Hữu Chính công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 4

Hội đồng xét xử.

8h40: Đến thời điểm này bị cáo Trần Xuân Giá vẫn chưa có mặt trong phòng xét xử. Bị cáo Trần Xuân Giá hiện bị bệnh nặng và đang được điều trị tại bệnh viện. Phiên tòa mở ra ngày 16/4 buộc phải hoãn do bị cáo Giá không thể dự phiên xét xử.

“Siêu lừa” Huỳnh Như Huyền Như (bị TAND Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án chung thân vì lừa hàng ngàn tỷ) cũng được triệu tập đến tòa.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 5

Huỳnh Như Huyền Như tại phiên tòa.

9h5: Tòa kiểm tra xong phần căn cước của các bị cáo và sự có mặt của các đơn vị doanh nghiệp liên quan. Hiện chưa thấy ông Trần Xuân Giá xuất hiện tại tòa. Tuy nhiên, trong phần kiểm tra tại tòa, luật sư của ông Trần Xuân Giá là ông Lưu Tiến Dũng đã có mặt.

9h15: Tòa công bố 82 đơn vị và các cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong số các cá nhân được triệu tập đến tòa có "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như, bà Đặng Ngọc Lan - vợ bầu Kiên...

9h30: TAND TP Hà Nội cũng mời đại diện Ngân hàng Nhà nước. Ông Đặng Văn Thảo - Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có mặt tại tòa.

Ngoài ra, tòa còn mời đại diện Bộ Công thương, Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch- Đầu tư TP HCM, đại diện Ủy ban Chứng khoan Nhà nước, Tổng cục thuế…

9h55: Đối với trường hợp vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, HĐXX cho biết, đã nhận được tài liệu liên quan đến bị cáo. Tòa sẽ công bố tài liệu liên quan đến bị cáo Trần Xuân Giá. Quan điểm của VKS cho rằng việc bị cáo Giá không có mặt tại phiên tòa không ảnh hưởng đến diễn biến phiên tòa. Đề nghị tạm đình chỉ vụ án riêng đối với ông Trần Xuân Giá. Đề nghị tạm đình chỉ vụ án riêng đối với ông Trần Xuân Giá. Trong tài liệu về tình trạng bệnh tật của ông Trần Xuân Giá, theo kết quả giám định của các cơ quan, ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo, cần tiếp tục điều trị, hiện còn yếu chưa đi lại được. 

Đơn mới nhất của ông Trần Xuân Giá gửi tòa vào ngày 19/5, cho biết, do sức khỏe còn yếu nên chưa chắc chắn đến dự phiên tòa. Bị cáo Giá cũng đề nghị nếu dự tòa phải có người thân và bác sĩ bên cạnh. Trong điều kiện không thể dự tọa, ông Giá đề nghị tạm đình chỉ bị can.

10h15: Tại phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị tòa mời thêm những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án như: Đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VCCI và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan- người trình soạn thảo luật doanh nghiệp.

10h30: Bị cáo Kiên đề nghị được nhận văn bản pháp luật từ luật sư để được trình bày đầy đủ. “Tôi nhận trách nhiệm của mình, tôi không đùn đẩy trách nhiệm. Tôi đề nghị xác định từng hành vi của tôi, phạm vào những quy định pháp luật nào”. -  bị cáo Kiên nói.

Bị cáo Kiên cho rằng, các nhân chứng thiếu rất nhiều, đề nghị triệu tập những người này để làm rõ; đồng thời đề nghị HĐXX cho phép gặp gia đình trong quá trình xét xử, được nhận tài liệu từ luật sư.

10h35: Tòa tạm nghỉ để hội ý.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 6

11h00: Tòa tiếp tục làm việc.

HĐXX khẳng định, ông Giá bị bệnh hiểm nghèo, HĐXX tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá.

HĐXX cũng xem xét tư cách của nguyên đơn dân sự là Thép Hòa phát và Ngân hàng ACB. Theo đó Hòa phát có 2 đơn yêu cầu bồi thường, nên tư cách nguyên đơn là đúng pháp luật. Trong quá trình xét xử, xét thấy hợp lý, Tòa sẽ chuyển ACB từ tư cách nguyên đơn dân sự sang tư cách có nghĩa vụ liên quan.

Yêu cầu của bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tiếp cận tài liệu là chính đáng nên đề nghị luật sư cung cấp cho bị cáo.

11h20: Tòa tạm nghỉ.

Đến 14h chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 7

Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo tại tòa.

14h10: HĐXX tiếp tục làm việc. Phiên tòa bắt đầu phần xét hỏi. Mở đầu phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố các bị cáo tại tòa

14h20: “Bầu” Kiên là cổ đông của Ngân hàng ACB từ năm 1993. Tại ngân hàng này, gia đình của “bầu Kiên” sở hữu hơn 937 triệu cổ phần của ngân hàng ACB, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó Nguyễn Đức Kiên sở hữu hơn 31,5 triệu cổ phiếu, chiếm 3,37%.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2012 và đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhiệm kỳ từ 1994 – 2008.

Đến cuối năm 2007, bị cáo Nguyễn Đức Kiên không tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhưng đề nghị Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB, do Kiên là Phó Chủ tịch.

15h00: Viện Kiểm sát cho biết, bị cáo Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của 6 công ty. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi phạm tội gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Trốn thuế”; “Kinh doanh trái phép”.

15h10: Theo cáo buộc của VKS: Đối với Kinh doanh trái phép, từ ngày 15/5 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Trong tội trốn thuế, vợ và em gái của bầu Kiên là Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo cáo trạng, hành vi của Lan và Hương chưa cấu thành tội phạm do hai người này không biết, không tham gia và chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên.

15h30: Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Đức Kiên và hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần TNHH Một thành viên Thép Hòa phát. 

15h40: Đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Kiên cùng các bị cáo: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã gây thiệt hại cho ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Trong tội Cố ý làm trái, các bị cáo còn bị cáo buộc việc thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoáng và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của bị can Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ là làm trái quy định tại điều 29, quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền gần 687 tỷ đồng.

16h00: Ngoài ra, hành vi của ông Nguyễn Văn Hòa - Kế toán trưởng Ngân hàng ACB; ông Đỗ Minh Toàn - nguyên là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; ông Nguyễn Ngọc Chung - quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB có dấu hiệu của tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".

Tuy nhiên xét hành vi của các bị cáo, trong quá trình điều tra, các ông này đã có thái độ khai báo thành khẩn nên VKS nhân dân Tối cao cho rằng chưa cần thiết phải xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân tại các ngân hàng có liên quan đến vụ án này.

16h15: Tại bản cáo trạng, VKS bổ sung việc rút bản quyết định truy tố đối với bị cáo Trần Xuân Giá, tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá để lý sau. 

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "bầu" Kiên - Ảnh 8

Bị cáo Trần Ngọc Thanh trả lời HĐXX.

16h30: Chủ tọa phiên tòa tuyên bố bắt đầu bước vào phần xét hỏi về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 3 bị cáo: Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được tòa cách ly trong phần thẩm vấn tội danh này với Thanh và Yến.

Hành vi chiếm đoạt của Huỳnh Thị Huyền Như, VKS cho rằng, đã được xử lý ở vụ án khác nên không xem xét trong vụ án này.

17h20: HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).

17h25: Tại tòa bị cáo Yến thừa nhận là người soạn thảo bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và biên bản họp HĐQT. “Việc soạn thảo văn bản do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo”, bị cáo Yến khai tại tòa.

Trả lời về vai trò của Kiên tại Công ty ACBI, Yến nói, Kiên là Chủ tịch HĐQT, là người quyết định mọi vấn đề của Công ty.

17h30: Tòa nghỉ. Phiên xét xử sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai (21/5).
Báo Kinh tế & Đô thị online cập nhật thông tin về phiên tòa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần