Cần đối thoại trực tiếpGần đây nhiều bộ phim của Việt Nam tham gia LHP quốc tế nhưng không có giấy phép phổ biến hoặc bị cấm chiếu ở Việt Nam. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?- Thực ra hầu hết các phim Việt Nam dự các LHP quốc tế đều có giấy phép, dù để có được giấy phép đó, nhiều phim cũng bị cắt gọt không ít. Một số phim không qua được kiểm duyệt, và bị cấm.Dù là nguyên nhân gì thì việc cấm một bộ phim là điều rất đáng tiếc. Nhất là cùng bộ phim đó ở Việt Nam thì bị cấm nhưng lại được đón nhận một cách bình thường, thậm chí với thái độ trân trọng và nể phục ở những nơi khác. Mà những nơi khác này tuyệt đối không phải là những nơi kém hiểu biết, kém văn minh hơn ta, đó là những nơi mà xã hội và dân trí cao, thậm chí họ chính là đại diện cho những giá trị được toàn nhân loại thừa nhận và giới làm phim trên toàn thế giới đều muốn được góp mặt. Cơ quan quản lý cũng cần phải xem xét lại các quy định trong Luật Điện ảnh có còn phù hợp với thời đại, các quy định về kiểm duyệt có đang thực sự giúp cho nền điện ảnh Việt nam phát triển bình thường, đủ sức cạnh tranh, cũng như có thể hội nhập với thế giới hay đang kéo lùi và ngăn trở nó.
Đạo diễn Phan Đăng Di. Ảnh: FBNV. |
Hình ảnh trong bộ phim ''Vị''. |
Kìm hãm sự phát triểnThưa ông, có phải các phim của Việt Nam tham đạt giải tại các LHP quốc tế đều khai thác góc khuất trong đời sống?Ở những LHP quan trọng nhất thế giới như tôi nhắc ở trên, tự do sáng tạo là điều không phải bàn cãi. Tự do đó trước hết xác lập cái quyền để nghệ sĩ đẩy đến cùng những tìm tòi, khám phá về mặt nghệ thuật hay thức nhận về thế giới thông qua mọi hình thức biểu đạt từ thông thường đến gây sốc, thậm chí tranh cãi nẩy lửa. Sẽ rất bình thường nếu đại diện cho nước Nhật giàu có và phát triển nhất thế giới trong các bộ phim trình chiếu ở Cannes luôn là hình ảnh của những con người bên lề xã hội, vui vẻ với việc ăn cắp vặt để sống. Những người phụ nữ vô trách nhiệm bỏ rơi đám con vị thành niên ở nhà đến mức chúng phải chết đói, những gã chồng ghen tuông chém chết vợ và tình địch ngay trên giường trong các phim được Cành cọ vàng của Kore Eda hay Shohei Imamura. Chúng ta cũng có thể nhắc đến các phim Đông Nam Á từng gây tiếng vang tại Cannes như “Kinatay” (Thảm Sát) ra mắt năm 2009 – Giải đạo diễn Xuất sắc nhất của nhà làm phim người Phillippines Brillante Mendozas. Phim này kể về một đêm kinh hoàng của một thanh niên trẻ vừa cưới vợ tình cờ được một băng giết người thuê đi dọn xác một phụ nữ làm điếm thiếu nợ. Thanh niên này từ chỗ muốn trốn chạy dần dần thích nghi với tội các kinh hoàng đang diễn ra. Cậu chứng kiến toàn bộ quá trình bọn tội phạm hành hạ, tra tấn, chặt xác người phụ nữ đáng thương kia thành từng khúc, sau đó giúp thu dọn hiện trường rồi chờ sáng hôm sau để nhận cho được tiền công mới ra về.Cũng tại LHP Cannes năm 2010, Apichatpong, đạo diễn người Thái Lan dành được Cành cọ vàng với phim “Uncle Boonmee who can recall his past lives” (tạm dịch “Bác Boonmee người nhớ lại tiền kiếp”). Phim này không có những yếu tố bạo lực gây shock như Kinatay nhưng có một trường đoạn miêu tả một cô công chúa già nua xấu xí làm tình với những con cá trê… Nếu áp dụng những viện dẫn quen thuộc về “thuần phong mỹ tục”, “không được quá bạo lực, ẩn ức cá nhân, làm xấu hình ảnh đất nước…” như cách mà một số thành viên trong Hôị đồng duyệt chúng ta thường xuyên đưa ra để yêu cầu sửa chữa hay cấm các phim ở Việt Nam thì tôi dám chắc cả “Kinatay” hay “Uncle Boonmee who can recall his past lives” đều không cách gì được duyệt để đi LHP quốc tế hay chiếu trong nước. Rất may cho hai nghệ sĩ này là các hội đồng duyệt của đất nước họ có cách nhìn cởi mở và cập nhật hơn nên phim của họ có thể tự do đi xa và khiến cả thế giới biết đến. Cần phải nhìn nhận rằng dù phát triển đến mức nào, xã hội loại người và đời sống cá nhân đều luôn tồn tại những mặt trái, những bất ổn; rằng mọi lo âu, day dứt hoài nghi là điều cần có ở những con người trưởng thành, những dân tộc trưởng thành. Hình ảnh nước Nhật không xấu đi khi các bộ phim Nhật được chiếu tại các LHP quốc tế luôn phơi bày những góc tối của xã hội. Bởi vì chỉ có cách đối diện trung thực các vấn đề của con người, của xã hội một cách không e dè, né tránh thì điện ảnh hay nghệ thuật mới thực thi được trách nhiệm xã hội quan trọng nhất của nó trong việc chỉ ra bất ổn, cảnh báo sự tha hoá, mở rộng những suy tư, gợi mở những giải pháp và khuyến khích sự thấu hiểu.Nếu cơ quan chức năng tăng cường kiểm duyệt thì theo ông sẽ tác động thế nào đến người làm phim?Tăng cường kiểm duyệt một cách duy ý chí, bất chấp quy luật phát triển và thực tế đang diễn ra sẽ khiến: Nền điện ảnh của chúng ta phát triển què quặt, không thể hoà nhập với dòng chảy chung của thế giới văn minh.Tạo ra một tiêu chuẩn kép kìm hãm sự phát triển lành mạnh, triệt tiêu khả năng cạnh tranh của nền điện ảnh Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá (Phim Việt Nam chịu kiểm duyệt khắt khe hơn phải cạnh tranh với phim từ các nước có tiêu chí phân loại phim cởi mở, chủ yếu dựa trên nguyên tắc các phim làm ra đều được phát hành và chỉ áp các hạn chế về độ tuổi)Đã đến lúc chúng ta phải nhìn ra một thực tế là nền điện ảnh Việt Nam gần như không có tiếng nói nào đáng kể ở phạm vi quốc tế mà một trong những nguyên nhân quan trọng là cách nhìn nhận đánh giá về tác phẩm điện ảnh, về công nhận, đãi ngộ tài năng, về định hướng phát triển lâu dài cho điện ảnh dân tộc trong thời đại mới từ phía các nhà quản lý đang hết bất cập và cần phải thay đổi triệt để.Cũng phải nhìn nhận rằng những đạo diễn thế hệ Lê Bảo, Phạm Ngọc Lân, Trương Minh Quý, Trần Dũng Thanh Huy, Nguyễn Phương Anh… bước đầu đã góp mặt tại những LHP quan trọng của thế giới. Trong mười năm tới, cơ hội để Việt Nam bắt đầu được nhắc tên hoặc thắng giải tại đây, bên cạnh nỗ lực cá nhân của họ phần nào đó còn tuỳ thuộc vào cách mà các nhà quản lý điện ảnh chúng ta đối xử với họ ra sao. Nhưng dù thế nào, tôi có thể khẳng định tư duy cấm đoán là luôn là hạ sách và đi ngược lại phát triển.Xin cảm ơn ông!