Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim hoạt hình Việt Nam: Loay hoay tìm chỗ đứng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, hàng loạt bộ phim hoạt hình đặc sắc được khởi chiếu tại các rạp để phục vụ nhu cầu giải trí của các em nhỏ. Tuy nhiên, phim hoạt hình được bán vé đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Sau 60 năm hình thành, phim hoạt hình Việt Nam vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trong lòng khán giả.

Một cảnh trong phim hoạt hình ''Con rồng cháu Tiên''
Tràn ngập hoạt hình ngoại
Để phục vụ nhu cầu giải trí của các em thiếu nhi nhân dịp 1/6, các rạp chiếu phim trên địa bàn Hà Nội như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, hệ thống rạp chiếu phim CGV, Lotte Cinema hay Plantium… cho ra mắt hàng loạt những phim hoạt hình hấp dẫn. Ngay từ đầu tháng 5 những bộ phim như “Pokémon: Thám thử Pikachu”, “Chúa tể Godzila”, “Doreamon: Nobita và mặt trăng phiêu lưu ký” và gần đây nhất là “Aladin” đã được khởi chiếu để phục vụ các em nhỏ.
Nhiều chuyên gia nhận định, phim hoạt hình Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng và kém phim nước ngoài bởi nhiều lý do. Trong đó, phim hoạt hình Việt chủ yếu sản xuất trong khoảng 10 phút vì chưa có điều kiện làm dài, còn phim hoạt hình nước ngoài có thời lượng như phim điện ảnh, hình ảnh nhân vật bắt mắt với những series dài tập. Ngoài ra, việc tuyên truyền quảng cáo của phim hoạt hình Việt cũng kém hơn nước ngoài.
Tất cả các bộ phim “nhập khẩu” trên, nhân vật chính đều đã trở thành người bạn quen thuộc của các em thiếu nhi trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, có một nghịch lý trong nhiều năm qua, phim hoạt hình Việt Nam gần như vắng bóng hoàn toàn tại các rạp chiếu phim cũng như màn ảnh nhỏ. Những năm gần đây, phim hoạt hình Việt Nam chỉ có một vài bộ phim được biết đến. Điển hình là bộ phim “Con rồng cháu Tiên” sau khi được đăng tải trên YouTube đã đạt xấp xỉ gần 10 triệu lượt xem. Đây là bộ phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên được chú ý và đạt số lượng người xem lớn đến như vậy.

Mỗi năm Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện hơn 10 bộ phim theo đặt hàng của Nhà nước, hầu hết mang tính giáo dục, với đề tài lịch sử dân tộc hoặc chất liệu cổ tích. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư còn hạn chế, thời lượng quá ngắn cùng cách triển khai nội dung, quảng bá còn khô cứng nên tạo cảm giác nhàm chán, chưa thật sự hấp dẫn các em nhỏ vốn đang có vô vàn sự lựa chọn giải trí trong thời đại công nghệ phát triển, trong đó có các kênh giải trí nếu xem tại nhà. Ngoài những kênh hoạt hình nước ngoài trẻ thuộc nằm lòng như Disney, Cartoon Network thì các kênh truyền hình thuần Việt như HTV3 Dreams TV, Kids TV cũng chọn phát lại những phim hoạt hình nước ngoài có nội dung hấp dẫn và những bộ phim hoạt hình điện ảnh hấp dẫn hơn nếu xem tại rạp.

Thiếu sáng tạo

Có thể thấy, cơ hội cho phim hoạt hình Việt đến được với khán giả Việt vẫn đang là câu chuyện dài chưa tìm ra phương án tối ưu để giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng vì điện ảnh trong nước đang lỗi thời, làm ăn theo lối hành chính, xin - cho, bao cấp. Nhận định về “sức sống” của phim hoạt hình Việt Nam, NSND Hà Bắc – đạo diễn phim hoạt hình cho rằng: “Sau 60 năm phim hoạt hình vẫn tồn tại. Hiện nay, phim hoạt hình của Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam vẫn được đầu tư một cách nhỏ giọt, ra phim đều đều nhưng sự sáng tạo bị khống chế. Chính vì vậy sức phát triển bị hạn chế, những người được đào tạo không được tự do tìm những chân trời, ngôn ngữ mới. Những đơn vị muốn ăn xổi lấy kỹ thuật ngoại áp đặt vào câu chuyện của Việt Nam là được. Nhưng thực tế, họ đang làm một bộ phim mang ruột là Việt Nam nhưng nhái theo Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản, không có tác phẩm mang hồn dân tộc”.

Hoạt hình Việt Nam mãi mãi là những đứa trẻ chưa lớn, không chuyên nghiệp. Phim tốt không được chiếu, phim rẻ tiền lại được chiếu làm mang tiếng phim hoạt hình Việt Nam. “Buồn là chúng ta không phải không có người yêu phim hoạt hình, muốn đầu tư cho hoạt hình nhưng cái quan trọng nhất là không biết cách làm, không có suy nghĩ một cách chuyên nghiệp. Chính vì vậy, Hãng phim hoạt hình Việt Nam vẫn tạo ra được những bộ phim hoạt hình có chất lượng nhưng chỉ ở mức nho nhỏ, không đến được với khán giả hoặc chiếu manh mún; mà những bộ phim hoạt hình rất vớ vẩn lại được chiếu trên truyền hình. Khán giả qua những bộ phim ấy cho rằng đó là hoạt hình Việt Nam, chúng tôi rất xấu hổ" - NSND Hà Bắc chia sẻ.