Chính thức chiếu lại ngày 22/3/2024, doanh thu của bộ phim “Sáng đèn” vẫn rất thấp. Nhiều lo ngại về vấn đề phim thất thu do khó cạnh tranh với sức hút của các bộ phim ra mắt cùng thời điểm. Ít suất chiếu, khán giả không mặn mà dòng phim về nghệ thuật truyền thống là lý do khiến các rạp chiếu “ế” khách.
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chia sẻ về lý do phim vắng khách do đề tài cải lương kén khán giả, tác phẩm phải cạnh tranh bởi nhiều loạt bom tấn khác. Trước đó, bộ phim được tiết lộ với mức kinh phí cao, gấp đôi những tác phẩm điện ảnh khác như “Nhà không bán”, “Xóm trọ 3D”.
Thực tế sau 1 tuần công chiếu tại các nhà rạp, phim “Sáng đèn” có rất ít suất chiếu, tác phẩm trung bình mỗi ngày chỉ được xếp khoảng hơn 200 suất chiếu toàn quốc. Một số nhà rạp như CGV Sư Vạn Hạnh ngày 28/3, phim “Sáng đèn” không còn suất chiếu để nhường chỗ cho các tác phẩm nước ngoài. Doanh thu tạm tính đạt 2,6 tỷ đồng theo thống kê trên trang Box Office Việt Nam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Tiết lộ của đơn vị sản xuất, mức doanh thu thấp như hiện nay rất khó để bộ phim trụ vững tại rạp, nguy cơ lỗ nặng do mức đầu tư vài chục tỷ đồng.
Phim khai thác đề tài cải lương, được đầu tư, dàn dựng bối cảnh, mỹ thuật, phục trang khi tái hiện không khí các đoàn cải lương đầu thập niên 1990 cùng một số cảnh hành động.
Phim còn quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hữu Châu, Lê Phương, Cao Minh Đạt, Bạch Công Khanh…
Trái ngược với các bộ phim ăn khách như “Mai”, “Đào, phở và piano”, bộ phim không đạt doanh thu như kỳ vọng.
Dịp Tết Giáp Thìn, “Sáng đèn” rút khỏi rạp sau 2 ngày công chiếu vì doanh thu chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Đảm bảo an toàn cho tác phẩm, nhà sản xuất quyết định dời lịch chiếu song số phận không thay đổi.
Để giải bài toán doanh thu, ngoài hiệu ứng truyền thông, nhà sản xuất phim tiết lộ kế hoạch phát hành trực tuyến và công chiếu cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài để hoàn vốn.
Phim tái hiện chân thực về đoàn cải lương miền Tây, từ gánh hát Viễn Phương của ông Bầu (Hữu Châu) phải trở thành một gánh tạp kỹ, diễn tuồng xen kẽ các tiết mục xiếc, tấu hài. Từ đoàn ca cổ, hết thời phải đối diện với đời sống “gạo chợ nước sông”.
Rời sân khấu, các diễn viên nghệ sĩ phải chạy ăn từng bữa và làm đủ công việc mưu sinh. Ban ngày, kép trẻ Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) đi vác gạo thuê, đào chính Kim Yến (Lê Phương) đánh bóng bàn ghế để kiếm thêm thu nhập.
Gánh hát còn đối diện với việc bị giang hồ phá đám, có thành viên rời đoàn. Phân đoạn nhân vật ông bầu Hữu Châu đứng trước bàn thời tổ nghiệp, bật khóc tuyên bố rã đoàn gợi cảm xúc lắng đọng.
Phim khiến khán giả khóc, cười trước số phận trớ trêu của các nghệ sĩ đam mê với nghề hát cải lương giữa lúc lâm thời, khi “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Họ không được diễn trên sân khấu quy mô, nhà hát sang trọng như thời vàng son mà phải lang bạt khắp các bãi sông, đình miếu. Phim còn khai thác mối tình của nhân vật Lê Phương - Cao Minh Đạt (vai Thanh Kim Yến – Phi Khanh). Đôi đào kép trẻ Bạch Công Khanh - Trúc Mây bén duyên qua những lần đóng chung tuồng cổ.
Nhiều đánh giá cho rằng, phim hạn chế khâu kịch bản, nội dung rời rạc, màu phim được chỉnh sửa gây hiệu ứng kém tự nhiên. Đặc biệt là đoạn cuối mang tính sắp đặt, không phản ánh được sự thoái trào của nghệ thuật cải lương.
Phim khai thác chuyện đời, chuyện nghề như tiếng lòng của bộ môn nghệ thuật truyền thống hiện nay, đồng cam, cộng khổ gắn kết như người thân. Tình nghệ sĩ được đúc kết qua lời thoại nhân vật Cảnh Thanh: “Mày coi đây là gánh hát, còn tao coi đây là nhà”.
Diễn xuất của các nghệ sĩ ấn tượng nhưng không cứu nổi kịch bản phim dài dòng, điểm sáng là tuyến phụ của NSND Hồng Vân, tạo nhiều tiếng cười với vai Tư Phượng, nhà tài trợ rót tiền cho gánh hát vì thần tượng chàng kép Phi Khanh.