Muôn màu muôn vẻ
Đầu năm 2022, thị trường phim chiếu mạng đang ngày càng sôi động với số lượng nghệ sĩ nhiều, đề tài đa dạng hơn trước; đặc biệt thành phần nghệ sĩ tham gia sản xuất, đóng chính có cả nghệ sĩ gạo cội, diễn viên ngôi sao nổi tiếng lẫn các cây hài mới, trẻ.
Một trong những bộ phim tung ra sớm nhất trên Youtube là “Đại gia chân đất 12”. Phim đang nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Phim tiếp tục để ông Tích (NSND Trung Hiếu), ông Sự (NSƯT Tiến Quang) dẫn dắt khán giả vào những câu chuyện thời sự nổi bật trong năm. Đồng thời, đạo diễn Trần Bình Trọng cũng đang gấp rút hoàn thiện phim “Làng ế vợ 8”, sớm đưa đến khán giả. NSUƯT Tiến Quang và nghệ sĩ Chiến Thắng vẫn tiếp tục góp mặt trong phim hài “Tết ơi là Tết 5” được nhiều khán giả tìm xem trên kênh YouTube.
Ngoài những cái tên quen thuộc kể trên, trong dịp Tết Nhâm Dần, nhiều bộ phim mới cũng sẽ được ra mắt khán giả như: “Hẻm cụt” với sự tham gia của Trấn Thành, Lê Dương Bảo Lâm, Lê Giang, Quốc Khánh, Kim Nhã. “Đường về nhà xa quá” có NSƯT Lê Thiện, Thuỳ Anh, Hải Triều. “Phận làm dâu ăn Tết nhà chồng” có Huyền Lizzie. “Gia đình Cục Súc đón Tết” với sự tham gia của Võ Tấn Phát, Minh Dự, Ngọc Phước.
Cùng với phim chiếu trên mạng, phim truyền hình dịp Tết cũng bắt đầu nở rộ trên các kênh sóng. Hứa hẹn đặc sắc có các tác phẩm của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam như: “Anh có phải đàn ông không” (đạo diễn Trịnh Lê Phong), “Về chung một nhà” (đạo diễn Vũ Trường Khoa, Hoàng Tích Thiện). Ngoài ra, còn có nhiều dự án phim truyền hình ở phía Nam đang sản xuất để sớm ra mắt như: “Tình thắm duyên xuân” (đạo diễn Phương Điền), “Vũ điệu đón Xuân” (đạo diễn Xuân Phước), “Thấy mai là thấy Tết” (đạo diễn Văn Công Viễn).
Trầm lắng hơn phim chiếu trên mạng và sóng truyền hình, phim chiếu rạp không nhiều như các năm. Mặc dù vậy, một số địa phương đã được phép tái khởi động hệ thống rạp chiếu phim nên vẫn có một số tác phẩm đáng chú ý sẽ được bán vé phục vụ công chúng như “1990” của đạo diễn Nhất Trung về phụ nữ tuổi 30 và “Chìa khóa trăm tỷ” của đạo diễn Võ Thanh Hòa. Các phim này đều dự định ra mắt từ giữa năm 2021, nhưng dời lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sẽ khởi chiếu vào ngày 1/2/2022, tức mùng Một Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Chất lượng chưa đồng đều
Có một thực tế, thời gian qua, hầu hết các web-drama, phim hài Tết chiếu trên mạng đều lọt vào danh sách những sản phẩm giải trí có lượt xem cao, xếp ở top thịnh hành trên Youtube hiện nay. Đa số các phim được yêu thích nhờ chuyển tải những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống thường ngày, gắn với việc đón Tết như: Về quê ăn Tết, chuyện làng xóm láng giềng, chuyện gia đình bố mẹ, con cái ngày Tết. Một số phim được đánh giá có chất lượng hình ảnh tốt, chăm chút cảnh quay không thua kém phim chiếu rạp; cộng với diễn xuất có đầu tư của các diễn viên chứ không qua loa, đại khái như trước nên chinh phục được đông đảo người xem.
Đón đợi thưởng thức các bộ phim mới trong dịp Tết, chị Lê Thị Hương GIang (phường Kim Liên, quận Đống Đa) bày tỏ: “Dịp Tết năm nay, mọi người chắc khó được xem phim rạp để bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng ở nhà, khán giả vẫn được thưởng thức những bộ phim hay, gặp gỡ các nghệ sĩ danh tiếng quen thuộc trong các mùa phim Tết”.
Tuy nhiên, phim Tết trên mạng năm nay cũng xuất hiện một vài sản phẩm kém về nội dung, thậm chí gây phản cảm cho người xem với những màn giả gái kém duyên, lối diễn quá ồn ào, khiến người xem không hiểu phim đang muốn truyền đi thông điệp gì, hoặc quảng cáo sản phẩm quá lộ liễu kém hài hòa. Thậm chí nhiều bộ phim có nội dung sơ sài, nhảm nhí, lợi dụng việc diễn viên ăn mặc hở hang quá độ để hút khách cũng có tên và hình ảnh phản cảm cũng được đơn vị phát hành gắn mác phim Tết như: “Thị Hến kém chồng”, “Tát ao cả đêm”.
Đánh giá về những bộ phim kể trên, anh Đỗ Văn Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Khi sự cạnh tranh trên môi trường mạng khốc liệt hơn; các web-drama, phim giải trí được chiếu miễn phí, để thu hút đông đảo người xem, đem lại lợi nhuận, một vài đơn vị làm phim lạm dụng hình thể phụ nữ, trang phục sexy, câu khách khiến nhiều khán giả bức xúc. Tuy nhiên sau nhiều năm, khán giả đã có sự chắt lọc. Người xem sẽ bỏ qua những bộ phim chất lượng hình ảnh kém, nội dung phản văn hoá. Khán giả chỉ lướt qua mà không chọn xem”.
Phim Tết là món ăn tinh thần, truyền được những thông điệp tốt đẹp, nhân văn, giúp mọi người thêm vui vẻ, lạc quan bước vào năm mới. Đặc biệt, yếu tố chuyên môn về âm thanh, hình ảnh của các bộ phim Tết cũng mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho khán giả dù phải thưởng thức trên nền tảng số hay sóng truyền hình.