Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt chiếu rạp hè 2024: tụt dốc không phanh

Bá Trường/báo văn hóa
Chia sẻ Zalo

Nếu như 6 tháng đầu năm 2024, màn ảnh rộng chứng kiến thành công ngoạn mục của điện ảnh Việt với tổng doanh thu vượt mốc 1.500 tỷ đồng, thì tiếp ngay sau đó lại chứng kiến thất bại thê thảm khi có tới 7 phim đạt chưa đầy 20 tỷ đồng.

Khó chồng khó, khi mùa hè này các dự án quốc tế đều có tốc độ bán vé “khủng”, còn những bộ phim made in Vietnam ra mắt cùng thời điểm lại tụt dốc không phanh.

Cú ngã đau

Theo số liệu từ Box Office Vietnam, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu các dự án điện ảnh nội địa đã tăng trưởng vượt mốc 1.500 tỷ đồng, với 3 dự án thành công là: Mai; Lật mặt 7: Một điều ước; Gặp lại chị bầu. Đặc biệt, hai tác phẩm của hai đạo diễn Lý Hải và Trấn Thành đã chiếm tới hơn 2/3 tổng thị phần. Thế nhưng, thay vì thừa thắng xông lên thì mùa hè này các nhà làm phim Việt lại ngần ngại mang “đứa con tinh thần” của mình ra rạp để cạnh tranh với phim ngoại, dành sân chơi cho những “bom tấn” quốc tế với doanh thu khả quan.

 Hình ảnh nghệ sĩ Việt Hương trong phim “Ma da” sắp ra mắt vào tháng 8 tới
 Hình ảnh nghệ sĩ Việt Hương trong phim “Ma da” sắp ra mắt vào tháng 8 tới

Theo số liệu từ Box Office Vietnam, đến ngày 16/7, doanh thu của phim ngoại đạt được thật sự ấn tượng, có thể kể đến Nobita và bản giao hưởng địa cầu đạt gần 150 tỷ đồng; Kẻ trộm mặt trăng gần 100 tỷ đồng; Những mảnh ghép cảm xúc 2 và Gia tài của ngoại đều đạt hơn 88 tỷ đồng…

Vui buồn lẫn lộn khi doanh thu phòng vé từ đầu năm 2024 đến nay dù tăng mạnh nhưng đa số phim Việt lại… ngã đau. Bởi, ngoài 3 phim thắng lớn, thì 11 phim còn lại ra mắt trong 6 tháng đầu năm chỉ có Đào, phở và piano đạt 20,8 tỷ đồng và Cái giá của hạnh phúc 26 tỷ đồng, những bộ phim còn lại doanh thu đều thấp kỷ lục, thậm chí thấp nhất lịch sử phòng vé, đó là: Đóa hoa mong manh (430 triệu đồng), Trà (1,6 tỷ đồng), Án mạng lầu 4 (2 tỷ đồng), Sáng đèn (3,4 tỷ đồng), Móng vuốt và B4S - Trước giờ yêu (3,8 tỷ đồng), Quý cô thừa kế 2 (6,4 tỷ đồng)…

Điều đáng nói là ngay cả những sản phẩm đến từ các đạo diễn tên tuổi, từng có phim ăn khách cũng không nằm ngoài sự thất bại. Điển hình như trường hợp đạo diễn Lê Thanh Sơn (đạo diễn bộ phim Em chưa 18 gây bão với doanh thu “khủng” 170 tỷ đồng vào thời điểm năm 2017), thế nhưng khi quay trở lại với phim Móng vuốt được đầu tư mạnh về kỹ xảo thì lại chỉ thu về vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng. Hay với những cái tên một thời gian dài là “bảo chứng phòng vé” như Thái Hòa, mới nổi như Tuấn Trần… cũng không thể cứu vãn nổi doanh thu của phim.

Gần đây, bộ phim Mùa hè đẹp nhất dù trước đó được đặt nhiều kỳ vọng cũng đang tiếp tục đi vào vết xe đổ thất thu. Ra rạp ngày 28/6 với sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi, thậm chí là thường xuyên góp mặt ở những bộ phim “làm mưa làm gió” như NSND Việt Anh (phim Bố già, Nhà bà Nữ, Mai) hay bộ đôi Trần Nghĩa - Khánh Vân (phim Mắt biếc)… từng đạt doanh thu ngất ngưởng, nhưng Mùa hè đẹp nhất lại gây thất vọng ngay từ tuần đầu công chiếu, khi chỉ thu về vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng. Dù vẫn đang bán vé, nhưng với tình hình không mấy khả quan này, dự đoán “chẳng chóng thì chày” phim cũng sẽ… lặng lẽ rời rạp.

Thất bại không khó lý giải

Rõ ràng, thất bại của những bộ phim trên là không khó lý giải. Theo ý kiến của giới làm phim, một trong những lý do khiến các dự án thảm bại tại phòng vé Việt chính là nhà làm phim đã đi sai đường khi khai thác đề tài quá lỗi thời, kịch bản không mấy hấp dẫn, lời thoại, tình tiết không logic, diễn xuất non nớt, thiếu đồng bộ của dàn diễn viên trẻ, truyền thông chưa hiệu quả… Bởi, nếu phim được đầu tư nắm bắt đúng thị hiếu khán giả thì sẽ nhanh chóng vượt qua các rào cản về giờ chiếu, suất chiếu.

Bên cạnh đó là yếu tố thời điểm ra mắt. Có thể dễ dàng nhận thấy, những bộ phim “làm nên chuyện” đa phần đều được công chiếu vào các dịp nghỉ lễ dài hạn. Về lý thuyết là vậy, nhưng rõ ràng vẫn chưa có một “đáp án” cụ thể để giải bài toán khó cho điện ảnh Việt. Trong khi khán giả vẫn mong chờ những bộ phim nội thật sự chất lượng, có sức cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại.

Thất bại là thế, nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn miệt mài với những dự án tâm huyết của mình. Thay vì “án binh bất động”, chờ mùa lễ hội để ra mắt phim, thì cuối tháng 8 tới, một số tác phẩm như: Ma da, Làm giàu với ma vẫn đang rục rịch kế hoạch công chiếu. Theo đó, cả hai tác phẩm này đều thuộc thể loại kinh dị, một dòng phim đang có dấu hiệu khởi sắc những năm gần đây.

Phim Ma da do Việt Hương và NSƯT Thành Lộc đóng chính, lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian ám ảnh của vùng sông nước. Phim lấy bối cảnh và quay suốt 35 ngày tại rừng ngập mặn ở Năm Căn, Cà Mau. Dù chỉ mới tung ra những hình ảnh đầu tiên, nhưng bộ phim đã và đang được công chúng quan tâm. Trong khi đó, Làm giàu với ma là dự án kinh dị pha trộn với yếu tố hài hước, đánh dấu sự trở lại của danh hài Hoài Linh và sự đồng hành của Tuấn Trần. Dù dự kiến 30/8 ra rạp, nhưng đến nay tình tiết phim vẫn chưa được hé lộ nhiều. Vẫn chưa biết được cái tên nào sẽ “cứu” được phòng vé sau những tháng hè “chết yểu”, nhưng hy vọng rằng sẽ có dự án “làm nên chuyện”.

Thực tế, thị trường phim Việt vẫn còn nhỏ bé và bấp bênh, điều này khiến khoảng cách giữa phim ăn khách và phim thảm bại dần tăng lên. Cùng với đó, khán giả cũng ngày càng khó tính đối với chất lượng tác phẩm, đây là “đề bài khó” cho các nhà làm phim, buộc họ phải tìm ra lời giải trong việc “chốt” dự án xứng đáng, chất lượng để thực hiện và thuyết phục được công chúng, thay vì lựa chọn “thời điểm vàng” và ngồi chờ cơ hội… ăn may.