Phim Việt: Chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Về điện ảnh Việt, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận định: "Chúng ta đến các LHP quốc tế như những vị khách bé nhỏ, một hai buổi chiếu miễn phí; đạo diễn, diễn viên giao lưu với khán giả rồi về.

KTĐT - Về điện ảnh Việt, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận định: "Chúng ta đến các LHP quốc tế như những vị khách bé nhỏ, một hai buổi chiếu miễn phí; đạo diễn, diễn viên giao lưu với khán giả rồi về.

Không có nước nào mua phim của chúng ta, hoặc có mua thì với giá rẻ". Xem ra, đó là một thực tế của điện ảnh nước nhà, rõ ràng chúng ta chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới.


Những năm gần đây, việc xuất ngoại của điện ảnh Việt chỉ dừng ở những liên hoan phim, như cách nói của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn là đến với bạn bè, "cười xong rồi về". Có một con số thống kê được ông Tuấn đưa ra: Các nhà kinh doanh phim thế giới mỗi năm đến Philipines, Malaysia một lần, nhưng 3 - 4 năm mới đến Việt Nam một lần. Lý do là ta quá ít phim và họ không mua được phim của ta.


Các nhà làm phim trong nước vẫn hay than vãn không có tiền để sản xuất bộ phim xứng tầm. Nhưng không phải lúc nào vấn đề kinh phí cũng đứng đầu, nếu nhìn ra phim trường thế giới. Paranormal Activity- phim thuộc thể loại kinh dị được quay bó hẹp trong một căn hộ gia đình bằng camera thường và dự trù chỉ phát hành DVD với kinh phí khoảng 15.000 USD. Nhưng nhờ tiếp thị khéo và truyền miệng tốt nên phim đã ra rạp, mang về doanh thu 107 triệu USD. Đây cũng là kỷ lục doanh thu tính trên tiền đầu tư trong làng phim thế giới.


Trong khi đó ở Việt Nam, dường như quy luật kinh tế vẫn không tác động đến điện ảnh, đặc biệt là với phim nhà nước. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: "Chúng ta hiện chưa có một cơ quan hay tổ chức độc lập nào chuyên theo dõi để thống kê số lượng người xem và doanh thu của các phim một cách chính xác. Do đó, chuyện lỗ lãi của các nhà làm phim được công bố trên báo chí cũng không đảm bảo sự tin cậy. Vì Nhà nước không đánh thuế doanh thu của việc phổ biến phim nên ai nói sao thì cũng chỉ… biết vậy".


Không ra được với quốc tế nhưng thậm chí, khi người nước ngoài đến Việt Nam muốn xem phim Việt cũng không biết xem ở đâu. Một phương thức hữu hiệu mà thế giới đã làm để quảng bá phim là in DVD thì ở ta cũng không làm được, đặc biệt là các phim Nhà nước đặt hàng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh bức xúc: "Có một điều lạ là Nhà nước tài trợ đặt hàng để sản xuất một bộ phim gọi là của Nhà nước nhưng lại không cấp một đồng để quảng bá cho phim đó, lại càng không quan tâm đến việc phát hành bằng băng đĩa để kéo dài thời gian sống của phim và tận thu cho mình". May ra có phim tư nhân nghĩ đến.


Làm thế nào để phim Việt Nam đến được với đông đảo khán giả nước ngoài? Câu trả lời là "Phải có phim hay" nhưng "làm thế nào để có phim hay" thì lại không đơn giản. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng: "Cần in phụ đề cho các phim chúng ta làm ra. Đó là việc đầu tiên. Sau đó, nên đổi mới cách làm phim. Hiện chúng ta chỉ chú ý đến sự kiện là chính mà ít quan tâm đến con người. Câu chuyện của chúng ta phức tạp, nhưng con người lại đơn giản. Trong khi đó, phim nước ngoài họ làm theo hướng ngược lại...”


Để thay đổi một thực tế không được "vua biết mặt, chúa biết tên" như hiện nay của điện ảnh Việt không đơn giản. Có lẽ vì thế mà các nhà làm phim đành lạc quan cho rằng chục năm nữa sẽ khác, như bây giờ, chúng ta đã khác chục năm trước…