Năm 2015, tính về số lượng, điện ảnh Việt đạt con số “khủng”: 50 bộ phim truyện dài, hàng trăm phim video nghiệp dư phát hành trên mạng… Qua theo dõi và từng được mời làm ban giám khảo các kỳ liên hoan phim ở trong nước, ông có cho rằng số lượng này là tín hiệu vui vực lại điện ảnh nước nhà? - Về mặt công nghệ và kỹ thuật làm phim, tôi thấy phim Việt càng ngày càng tiến bộ, không thua gì các nước Đông Nam Á. Nhưng về nội dung lại chưa thật sự ấn tượng. Phim Việt đương đại thiếu đi những bộ phim mang bản sắc Việt. Tại sao thế hệ người làm phim thời trước như đạo diễn Đặng Nhật Minh lại có những bộ phim để cả thế giới ngưỡng mộ: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Thương nhớ đồng quê”…; còn bây giờ, phim Việt ra rạp đang là sản phẩm “xào nấu” của phim truyền hình Mỹ vài thập kỷ trước.
Có lẽ ông đang đánh giá phim Việt ở góc độ phim thị trường, nên mới nhìn nhận phim Việt đương đại ảnh hưởng nặng của điện ảnh Hollywood? Vì hiện cũng có những bộ phim mang bản sắc Việt của đạo diễn trẻ như “Chuyện của Pao” của Ngô Quang Hải, “Sống trong sợ hãi” của Bùi Thạc Chuyên… Theo ông, có nên bi quan quá về phim Việt đương đại? - Tôi không nói bi quan về điện ảnh Việt. Xu hướng Mỹ hóa có lợi thế là tạo ra thị trường điện ảnh tiêu dùng. Nghĩa là những bộ phim mà các bạn vẫn gọi là thị trường có thể kéo khán giả đến rạp, bỏ qua thói quen chê điện ảnh Việt của khán giả màn ảnh rộng. Thế nhưng, điện ảnh không thể chỉ là những sản phẩm thương mại mà cần những sản phẩm mang hồn cốt dân tộc, những sản phẩm này đang ít dần ở Việt Nam. Làm thế nào để giảm trừ những tác phẩm “lai căng” phim Mỹ, phim Hàn của điện ảnh Việt? - Nhà nước phải đứng ra cầm chịch. Ở Pháp, họ áp dụng mức thuế cao cho các phim nhập khẩu từ Mỹ, số tiền đó dùng để hỗ trợ các tác phẩm có tính nghệ thuật của điện ảnh trong nước. Ở Việt Nam, trước đây Nhà nước có bỏ tiền ra đặt hàng các tác phẩm mang tính tuyên truyền, nhưng phải thừa nhận cách làm của các tác phẩm này đã không được công chúng đón nhận, vì nó đã lạc hậu. Không còn cách nào khác, Bộ VHTT&DL vẫn cần quan tâm đầu tư cho các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, nhưng cũng phải có cách nhìn hiện đại, không thể làm phim theo kiểu 50 năm trước của điện ảnh Việt. Đã gần 5 năm, bộ phim “Công binh - đêm dài Đông Dương” giành nhiều giải thưởng quốc tế, là bộ phim mà nhiều nhà làm điện ảnh trong nước cho rằng đáng học, nhưng đến ngày 16/6 vừa qua, bộ phim mới được công chiếu tại Hà Nội. Ông có nghĩ sự trở về Việt Nam như vậy là quá muộn? - Từ trước đến nay, khán giả trong nước biết đến phim của tôi trong phạm vi nhỏ như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2014, Cánh diều vàng 2016. Người ta nói tôi là đạo diễn tiên phong mở đường cho phim Việt ở hải ngoại. Tác phẩm điện ảnh của tôi luôn dùng ngôn ngữ Việt, liên quan đến văn hóa dân gian Việt, và được vinh danh, đoạt giải trong các liên hoan phim quốc tế. Tôi rất mong muốn trở về và cống hiến cho khán giả trong nước, nhưng đôi khi nó lại còn là chữ duyên. Xin cảm ơn ông!
Một cảnh trong phim ''Em là bà nội của anh''. |
Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng. 18 tuổi, ông đã sang Pháp du học theo diện học bổng. Từ đó đến nay, ông chủ yếu sinh sống và làm việc tại Pháp nhưng có rất nhiều tác phẩm về đề tài Đông Dương và Việt Nam như: “Long Vân khánh hội” (1981), “Đế chế tàn vụn” (1984), “20 đêm và một ngày mưa” (2006) và “Công binh - đêm dài Đông Dương”. Ông đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, nhận Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng. |