Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt giờ vàng đã bớt bi kịch

Thái Anh/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Sau loạt bộ phim tràn ngập những bi kịch, các bộ phim lên sóng giờ vàng thời gian gần đây đã mang màu sắc tươi sáng và hướng tới những thông điệp tích cực.

 

Nữ diễn viên Diễm Hằng (ngoài cùng bên trái) mong muốn truyền tải những thông điệp tích cực qua bộ phim “Sao Kim bắn tim sao Hỏa”. Ảnh: VFC
Nữ diễn viên Diễm Hằng (ngoài cùng bên trái) mong muốn truyền tải những thông điệp tích cực qua bộ phim “Sao Kim bắn tim sao Hỏa”. Ảnh: VFC

Phim bi kịch thoái trào, phim hài hước chiếm sóng

Đã có một thời gian, phim Việt bùng nổ với loạt phim bi kịch. Những mâu thuẫn trong gia đình giữa mẹ chồng - nàng dâu, ngoại tình, tiểu tam - chính thất... được biên kịch Việt khai thác triệt để đưa lên màn ảnh nhỏ. Không thể phủ nhận sức hút của những bộ phim như “Sống chung với mẹ chồng”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Thương ngày nắng về”... và dòng phim bi kịch là yếu tố giúp khán giả quen thuộc với các khung phim giờ vàng, giúp phim Việt lấy lại được chỗ đứng sau suốt một thời gian dài bị bỏ quên. Tuy nhiên, “cái gì nhiều quá cũng không tốt”, việc khai thác quá nhiều bi kịch lại cũng chính là lý do khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, bức xúc khi xem phim, gần đây nhất phải kể đến “Trạm cứu hộ trái tim”. Dù có sự tham gia của loạt diễn viên đình đám như: NSND Thu Hà, Hồng Diễm, Lương Thu Trang... Nhưng phim vẫn bị chê khắp mạng xã hội. Không chỉ có những tình tiết vô lý, việc bộ phim này nhồi nhét quá nhiều bi kịch cũng như “giọt nước tràn ly” khiến khán giả trở nên mất hứng thú với bộ phim này.

Có lẽ êkip làm phim của Trung tâm phim Truyền hình Việt Nam VFC cũng đã kịp thời nắm bắt tâm lý của khán giả ngay sau khi “Trạm cứu hộ trái tim” kết thúc, loạt phim mang màu sắc tươi vui, hài hước đã lên sóng.

Trong đó phải kể đến “Sao Kim bắn tim sao Hỏa” - bộ phim với sự tham gia của Diễm Hằng (vai Yên), Mạnh Quân (vai Hào), Minh Thu (vai Đào)... Cũng khai thác đề tài gia đình nhưng “Sao Kim bắn tim sao Hỏa” lại khai thác ở góc độ nhẹ nhàng, dễ chịu với cuộc sống mưu sinh của 3 gia đình với 3 hoàn cảnh khác nhau. Các yếu tố hài hước cũng được lồng ghép khéo léo qua từng tình tiết của phim giúp khán giả cảm thấy thư giãn sau ngày dài làm việc căng thẳng.

Hay như phim “Vui lên nào anh em ơi” khiến khán giả bật cười ngay từ tên gọi của phim. Phim xoay quanh câu chuyện của 3 người bạn thân Hưng (Tô Dũng), Tiến (Anh Đức) và Thắng (NSƯT Thái Sơn) ở một vùng nông thôn. Cả 3 cùng hùn vốn mở quán cafe nhưng đã gặp thất bại và kéo theo loạt chuyện dở khóc dở cười. Chuyện làm ăn thất bại, cô vợ đành hanh của Tiến hay chuyện Thắng bị gia đình thúc giục cưới xin... tất cả đều được cài cắm những tình tiết khiến khán giả bật cười. Dù vậy, phim vẫn có những giây phút lắng đọng với chuyện gia đình Hưng khi bà bị bệnh nặng.

Trên mạng xã hội những video cắt từ hai bộ phim này đều nhận được những lời khen tích cực từ phía khán giả.

Phim chữa lành là xu thế tất yếu

Vốn nổi tiếng với những bộ phim chồng chất bi kịch, nhưng nhiều năm trở lại đây, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc cũng hướng tới những bộ phim chữa lành và coi đây là xu hướng như “Sắc xuân gửi người tình”, “Reply 1988”... Sở dĩ dòng phim này được yêu thích là do khán giả có thể dễ dàng bắt gặp chính mình trong những hoàn cảnh mỏi mệt, áp lực và hành trình chữa lành, đi tìm những điều tích cực của nhân vật giúp người xem cảm thấy dễ chịu và cảm thấy như mình cũng đang được xoa dịu.

Quay trở lại với phim truyền hình Việt, trên khắp các diễn đàn, nhiều khán giả dành lời khen cho sự thay đổi kịp thời của các êkip làm phim và đáp ứng đúng “món ăn” mà họ cần ở thời điểm hiện tại. Những thông điệp tích cực về cuộc sống hôn nhân, tình bạn, tình yêu... được gửi gắm một cách hài hước, dù vẫn có những bi kịch nhưng được khai thác nhẹ nhàng giúp khán giả không cảm thấy mệt mỏi.