Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt hưởng lợi hiệu ứng trên nền tảng số

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, hiệu ứng từ truyền thông đã góp phần giúp các tác phẩm điện ảnh đến gần với công chúng hơn so với quảng bá thông thường. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, đánh giá của người tiêu dùng càng đóng vai trò quan trọng quyết định...

Sự lan tỏa của hiệu ứng truyền thông trên nền tảng số đã giúp phim “Em và Trịnh”, “Bẫy ngọt ngào”, “Đêm tối rực rỡ”, “Bố già” và một số phim Việt chiếu rạp khác của Việt Nam phát hành trong thời gian gần đây có được doanh thu phòng vé khá tốt.

Một cảnh trong phim ''Em và Trịnh''
Một cảnh trong phim ''Em và Trịnh''

Những năm gần đây, hiệu ứng từ truyền thông đã góp phần giúp các tác phẩm điện ảnh đến gần với công chúng hơn so với quảng bá thông thường. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, đánh giá của người tiêu dùng có điều kiện để lan truyền mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng quyết định số phận của các sản phẩm điện ảnh.

Điểm chung trong khâu quảng bá của phim Việt hiện nay là các êkíp thực hiện đồng thời rất nhiều chiến dịch khác nhau trên truyền thông, mạng xã hội. Thậm chí, chi phí quảng bá trên nền tảng này còn lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài các chiến dịch PR theo phương thức truyền thống: Tổ chức showcase, giao lưu với khán giả, thông tin trên báo chí, truyền thông…, các hình thức quảng bá ngày càng đa dạng hơn như ra mắt sách, phim ngắn, webtoon (thể loại truyện online được lai tạo từ truyện tranh và phim hoạt hình), tổ chức cuộc thi… liên tục được lên kế hoạch thực hiện.

Đơn cử như “Em và Trịnh” của Phan Gia Nhật Linh. Sau podcast “Nắng thủy tinh” gồm những tản văn được viết dựa trên cảm hứng từ 301 bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho mối tình sâu đậm của mình - Ngô Vũ Dao Ánh, êkíp tiếp tục thực hiện chuỗi đêm nhạc “Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ” tại 5 địa điểm: TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Huế, Hà Nội, Cần Thơ.

Dù khen hay chê thì các cuộc tranh luận trên mạng đều đẩy sự hiếu kỳ của công chúng với “Em và Trịnh” lên cao. Chỉ ba ngày đầu chiếu sớm, “Em và Trịnh” đã thu về hơn 25 tỷ đồng. Khi phim công chiếu chính thức, các cuộc tranh luận về người thật, việc thật và hư cấu càng sôi nổi và mạng xã hội đã trở thành công cụ tiếp thị vô cùng hiệu quả. Theo Box Office Vietnam, “Em và Trịnh” đã thu về hơn 97 tỷ đồng - mức doanh thu cao nhất của phim Việt chiếu rạp trong năm nay, tính đến thời điểm này. Hiệu ứng truyền miệng cũng từng giúp “Bẫy ngọt ngào” có cú lội ngược dòng với doanh thu hơn 83 tỷ đồng.

Mở rộng ra ở mảng phim truyền hình Việt, mạng xã hội cũng là một phương án quan trọng góp phần nâng tầm ảnh hưởng mỗi bộ phim, bên cạnh nội dung và dàn diễn viên chất lượng. Theo khảo sát, khoảng 5 năm trở lại đây, kể từ phim “Người phán xử”, VFC bắt đầu đẩy mạnh truyền thông qua nền tảng mạng xã hội. Mỗi khi có dự án mới, các trang mạng xã hội tràn ngập những thông tin bình luận, bày tỏ cảm xúc, hàng chục hội nhóm, Fanpage liên quan đến phim được thành lập, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi tạo thành làn sóng truyền thông trên mạng xã hội.

Thậm chí, khán giả có thể tham gia vào quá trình sản xuất và đóng góp ý tưởng cho nhà sản xuất. Không những vậy, những diễn viên tham gia có lượng theo dõi khủng cũng thường xuyên chia sẻ nội dung, câu chuyện thú vị càng kích thích sự tò mò của người xem.

Khai thác sức mạnh của truyền thông, tập trung hơn vào những kênh review phim trên nền tảng số để tiếp cận trực diện với khán giả, một số phim Việt gần đây chạy theo trào lưu khi mời TikToker góp mặt ở buổi ra mắt và tham gia vào việc PR phim.

Nhiều “hot” TikToker với độ phổ cập rộng rãi đã đáp ứng phần nào sự mong mỏi của giới làm phim. Nhưng lạm dụng PR bằng TikToker chưa chắc đã hiệu quả trong quảng bá. Bộ phim “Vô diện sát nhân” tập trung PR mạnh trên TikTok và kênh của dàn TikToker chỉ đạt 4,7 tỷ đồng doanh thu sau ba tuần trụ rạp, dù sở hữu dàn diễn viên thực lực.

Thành công về doanh thu của “Đêm tối rực rỡ”, “Nhà không bán”, “Em và Trịnh”, “Bố già”... cho thấy phim Việt rất cần công chúng trong khâu quảng bá. Nhờ có sự tham gia của truyền thông, phim Việt mới lan tỏa được sức hút nội tại, tiếp cận được với số đông khán giả hơn.

Tuy nhiên, chất lượng phim vẫn luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến doanh thu bên cạnh thời điểm phát hành, truyền thông. Trong bối cảnh gu thẩm mỹ, trình độ thưởng thức, nhu cầu của khán giả ngày càng cao, những chiến dịch PR không thể lấp liếm cho những bộ phim kém chất lượng.