Phim Việt ngày càng mờ nhạt bản sắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc bàn tròn "Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam" diễn ra sáng 30/8, các nhà nghiên cứu văn hóa và giới làm điện ảnh thể hiện một sự đau đáu trước câu hỏi: Làm thế nào để "tô đậm" bản sắc Việt trong phim Việt?

Thời vàng son đã qua

Đúng như GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhận định, nhiều năm qua, những nội dung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại của Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII cũng là tiêu chí xây dựng nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Theo định hướng đó, điện ảnh nước ta đã đạt những thành tựu nhất định, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, thậm chí đang có phần xa rời tính dân tộc. Tính dân tộc mà các nhà nghiên cứu nói tới được nhắc đến trong hàng loạt bộ phim những năm 1960, 1970 như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Con chim vành khuyên", "Em bé Hà Nội", "Nổi gió", "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Ngày lễ thánh"... Đó là thời vàng son của điện ảnh Việt, công chúng hào hứng kéo đến các rạp, sân bãi chiếu phim để được xem những bộ phim giàu tính hiện thực và đậm đà bản sắc. Ở đó, người xem tìm lại cuộc sống của mình dưới dạng hình tượng nghệ thuật, chân thực, sinh động và gần gũi, thân quen với mình, từ con người đến quang cảnh, từ phục trang đến âm nhạc... Nhưng những điều này lại đang ngày một xa vời trong các bộ phim hiện nay. "Mới đây, tôi được mời đến xem bộ phim "Mùa hè lạnh", trong đó có những cảnh yêu đương được đặc tả một cách chi tiết, trần trụi đến nỗi một giám đốc trẻ của một công ty truyền thông ở Hà Nội sau khi xem xong phải kêu lên: "Nhiều cảnh nóng quá, không thể chịu nổi!"" - GS Hoàng Chương bày tỏ. Và nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng tình với quan điểm của ông: Loại phim này trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống của thanh niên. Mới đây, bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn"  bị cấm chiếu cũng vì mang tính bạo lực xã hội đen, xa rời tính dân tộc, mặc dù phim làm công phu, đầu tư tốn kém. Những bộ phim như "Bẫy cấp 3" thì vừa mang tính bạo lực, vừa mô tả thô thiển về lứa tuổi teen, hoặc phim "Khi tôi 20" cũng đều có sự bắt chước dễ dãi những thủ pháp dung tục, "câu khách" của loại văn hóa thứ cấp, vốn tồn tại đã lâu ở một vài nước phương Tây và đã bị chính người xem ở các nước đó phản đối.

 
Diễn viên Như Quỳnh vai Nết trong Đến hẹn lại lên - Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong LHPVN lần thứ 3
Diễn viên Như Quỳnh vai Nết trong Đến hẹn lại lên - Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong LHPVN lần thứ 3
Nhiều trăn trở

Dù trong giới làm điện ảnh, song Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát khá thẳng thắn trước nhận định về phim Việt: "Trước đây, tính dân tộc thể hiện qua một số bộ phim truyện hài, điển hình như phim "Bờm" của đạo diễn Lê Đức Tiến. Một dân tộc biết mang cái xấu, cái ngớ ngẩn, cái tính toán tiểu nông của mình ra để tự hài hước diễu mình thì đó là một dân tộc vĩ đại… Tôi nghĩ rằng, phim truyện Việt Nam ngay từ bây giờ cần phải chú ý đến mảng đề tài hài hước này. Bởi, văn học dân gian, kho tàng truyện cười, chuyện tiếu lâm cha ông để lại vô cùng phong phú".

 
Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”.
Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đưa ra giải pháp: "Để xây dựng được những tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc thì mỗi nghệ sĩ cần phải tự trọng và thành tâm vì một nền điện ảnh chân chính". Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T.Ư) Lê Thị Bích Hồng cho rằng, ngành điện ảnh cần tăng cường sản xuất phim truyện thương hiệu Việt Nam, nhưng phải gắn tăng số lượng với chất lượng. Mặt khác, cần xây dựng ở Việt Nam một thị trường điện ảnh đa dạng và ổn định. Cùng với đó, phải xây dựng một hạ tầng cơ sở để giúp việc làm phim và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ điện ảnh. Trong thời gian tới, cần khẳng định vai trò đầu tư kinh phí của Nhà nước cho hoạt động sản xuất phim điện ảnh; Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trong đó có công nghiệp điện ảnh…

Đây không phải là vấn đề "nói đi nói lại" của điện ảnh Việt nhiều năm qua, mà đích thực là một vấn đề phải tính đến khi Việt Nam muốn tạo dựng một cá tính riêng, dấu ấn riêng cho điện ảnh nước nhà. Không có bản sắc riêng, thì con đường hội nhập thế giới, xuất khẩu phim sẽ vẫn mãi xa vời.