Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Tiếp tục phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Ngày 23/4 đã diễn ra Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức. Chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực Ủy ban MTTQ TP, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; Thành ủy viên; lãnh đạo cấp ủy các quận, huyện, thị xã, đảng bộ trực thuộc Thành ủy, đảng bộ xã, phường, thị trấn; các báo cáo viên thành phố... Hội nghị được kết nối tới 611 điểm cầu với tổng số hơn 35.000 cán bộ các cấp tham dự.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong quán triệt 2 chương trình công tác số 06-CTr/TU, 07-CTr/TU 

Thông tin về Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đây chính là điểm mới về nhận thức của Đảng bộ Thành phố. Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII có sự kế thừa và phát triển trên cơ sở Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khoá XVI về “Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

 Chương trình số 06-CTr/TU được xây dựng hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đặc biệt, Hà Nội xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

 Để cụ thể hóa mục tiêu, Thành ủy Hà Nội đề ra 18 chỉ tiêu theo 7 nhóm và 3 yêu cầu trong Chương trình số 06-CTr/TU. Đáng chú ý, Hà Nội phấn đấu có tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá hàng năm (tính trên tổng số đăng ký) đạt từ 70-73%; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao trở lên đạt 31% trở lên; đóng góp 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (Sea Games, Asiad…).

Thành ủy Hà Nội đã đề ra 14 nhiệm vụ về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong Chương trình số 06-CTr/TU. Trong đó, Thành ủy Hà Nội xác định xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị; phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội. 

Quang cảnh Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội đề ra 6 giải pháp trọng tâm phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong nhiệm kỳ mới. Đáng chú ý, Chương trình số 06-CTr/TU xác định ưu tiên đầu tư từ ngân sách Thành phố cho phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Triển khai tích cực, có hiệu quả xã hội hóa đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao; tháo gỡ khó khăn các dự án đã và đang triển khai; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa phải tương xứng với tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đóng góp trí tuệ, cơ sở vật chất, công nghệ trong việc phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, Chương trình số 06-CTr/TU cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Thành ủy khóa XVII về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực này trong tình hình mới. Bên cạnh đó là rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Tiếp đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã thông tin về Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025”. Những năm qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn với khoảng 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trong thực tế. Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20-CTr/TU của Thành ủy đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố. Các hoạt động đổi mới sáng tạo bước đầu được triển khai và có hiệu quả. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại như hoạt động khoa học, công nghệ của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô... Do đó, mục tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU là Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

“Để thực hiện, thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó sẽ  xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế về khoa học công nghệ…” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.