Phó Bí thư Thành ủy: Phát huy dân chủ mới giải phóng được sức sáng tạo

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Phát huy dân chủ mới giải phóng được sức sáng tạo của con người, đặc biệt đối với người học và người dạy trong các trường ĐH, CĐ; trong nhà trường còn là phát huy dân chủ trong bày tỏ quan điểm về nghiên cứu khoa học…” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Sáng nay, 31/5, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy - UBND TP Hà Nội - Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội tổ chức Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ)”.

Chủ trì Hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo TP tham quan phòng truyền thống trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo TP tham quan phòng truyền thống trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Thường trực Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng UBND TP, các Ban và Văn phòng Đảng ủy Khối các trường ĐH - CĐ Hà Nội; các thành viên Cụm thi đua các Đảng ủy Khối, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy; lãnh đạo các trường trực thuộc Khối…

Đổi mới ngay từ nhận thức về quản trị giáo dục đào tạo

Theo Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP, những năm qua, Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, UBND TP và Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, các nghị định của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong đó, thực hiện QCDC trong khối giáo dục đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, NLĐ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các nhà trường.

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu khai mạc hội nghị
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu khai mạc hội nghị

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho biết, Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội hiện có 70 TCCS Đảng với hơn 18.000 đảng viên, có 69 trường ĐH, CĐ với trên 1.300 giáo sư và phó giáo sư, 3.200 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.500 thạc sĩ, gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và tương đương trong mọi lĩnh vực; trên 600.000 sinh viên chính quy. Những năm gần đây, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần quan trọng tạo nên sự đoàn kết, ổn định, phát triển của các trường; nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, NLĐ, sinh viên và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong tình hình mới.

Song bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng và thực hiện QCDC ở một số trường ĐH thuộc Đảng ủy Khối còn những hạn chế cần được điều chỉnh, khắc phục: Ban Chỉ đạo QCDC hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa xây dựng chương trình công tác cụ thể, chưa kịp thời kiện toàn BCĐ xây dựng và thực hiện QCDC khi có thay đổi về nhân sự; việc họp đánh giá định kỳ thực hiện QCDC chưa thường xuyên; một bộ phận cán bộ, giảng viên, sinh viên chưa có trách nhiệm đầy đủ về thực hiện QCDC… Từ thực tế đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm mục đích không ngừng nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC trong các trường ĐH thuộc Khối. 

Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn điều hành thảo luận tại Hội nghị
Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn điều hành thảo luận tại Hội nghị

Đúc rút từ thực tế sinh động trên các lĩnh vực, nhiệm vụ chính trị đặc thù của từng đơn vị, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận từ lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ trong Khối, tập trung vào những nội dung thiết thực như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, việc triển khai tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở của ban giám hiệu gắn với thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Đánh giá kết quả đạt được và phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, trao đổi kinh nghiệm và những cách làm hay, mô hình tốt trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Đồng thời, nêu lên vai trò của hội đồng trường, ban giám hiệu, các tổ chức chính trị-xã hội và các hội sinh viên trong thực hiện QCDC gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng trường; đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC thời gian tới.

Đáng chú ý, PGS.TS Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Để phát huy được dân chủ và nâng cao năng lực lãnh đạo của TCCS Đảng trong đổi mới quản trị ĐH, giải pháp trước tiên là cần đổi mới ngay từ nhận thức về quản trị GD&ĐT bậc ĐH trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư hiện nay, song song với phân định rõ vai trò, trách nhiệm trong trường ĐH. Từ đó, sẽ đảm bảo đúng chức năng, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau, cản trở tiến trình phát triển và đảm bảo dân chủ, thống nhất trong toàn hệ thống nhà trường.

Từ thực tế ĐH Bách Khoa Hà Nội, để phát huy dân dân chủ cơ sở đối với người học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban Giám hiệu đang tập trung vào một số chính sách đặc biệt là: Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trong các hoạt động “thực hiện bởi sinh viên”, “vì sinh viên”; xây dựng ý thức, hành vi tôn trọng và cởi mở giữa người học và cán bộ. Xây dựng ý thức quan tâm, đồng hành giữa sinh viên và nhà trường trên quan điểm “nhà trường làm nền tảng - người học là trung tâm”; xây dựng ý thức, tinh thần sẻ chia và cống hiến của sinh viên với cộng đồng và xã hội”…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Gắn thực hiện QCDC với nâng cao chất lượng giảng dạy

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các tham luận đã nêu được những vấn đề lý luận và thực tiễn cùng những kinh nghiệm xây dựng, thực hiện QCDC cơ sở trong các trường ĐH, CĐ. Trong đó đưa ra những kinh nghiệm giúp phát huy được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, quản trị của hội đồng trường, quản lý điều hành của ban giám hiệu.

“Phát huy dân chủ mới giải phóng được sức sáng tạo của con người, đặc biệt đối với người học và người dạy trong các trường ĐH, CĐ. Việc phát huy dân chủ trong nhà trường còn là phát huy dân chủ trong bày tỏ quan điểm về học thuật, nghiên cứu khoa học; phát huy vai trò của người đứng đầu; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, công tác tài chính, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học…” - Phó Bí thư Thành ủy khẳng định.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, việc triển khai giáo dục ĐH tự chủ đang là xu thế chung của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới; không ngừng đổi mới quản trị ĐH và nâng cao chất lượng giảng dạy ĐH để hội nhập quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu người học là tất yếu. Vì thế, các nhà trường cần đẩy mạnh phát huy dân chủ, trong đó chú trọng vai trò nêu gương, tiên phong gương mẫu của đảng viên và TCCS Đảng, nhất là người đứng đầu, qua đó góp phần đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong toàn xã hội.

“Hiện cạnh tranh trong giáo dục ĐH ngày càng tăng khi nhiều trường quốc tế gia tăng đầu tư tại Việt Nam, nên các nhà trường cần gắn việc thực hiện QCDC với đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đưa giáo dục sáng tạo vào trong nhà trường. Cùng đó, gia tăng trách nhiệm của các nhà trường, gắn chặt với nhu cầu thị trường để tăng sức cạnh tranh của thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, việc phát huy dân chủ phải xuất phát từ nội tại, tránh bệnh hình thức để tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực này”- Phó Bí thư Thành ủy lưu ý.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao hơn 50 tham luận đã gửi tới Hội nghị với những kinh nghiệm quý trong thực hiện QCDC cơ sở. Nêu bật ý nghĩa cũng như tầm quan của việc thực hiện dân chủ trong các trường ĐH, CĐ Hà Nội thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội cũng như các nhà trường đặt trọng tâm ưu tiên cho công tác này; xây dựng dân chủ phù hợp tình hình thực tiễn từng cơ sở đào tạo; phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan. Song song đó, Đảng ủy Khối cần lãnh đạo các trường ĐH, CĐ xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu, Hội đồng trường, đặc biệt khẳng định vai trò của việc thực hiện QCDC cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của CBCCVC và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.