Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng: Hà Nội hòa cùng nhịp đập với Trường Sa

Trung Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 11 đến 22/4, Đoàn công tác của TP Hà Nội, do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn, đã đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Chuyến đi là một hành trình ý nghĩa để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, từ đó lan tỏa tinh thần dân tộc, tình yêu biển đảo, cộng đồng trách nhiệm, hòa chung nhịp đập vì Trường Sa.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đây là năm thứ 9, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô cử đoàn công tác đi thăm, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/19. Thưa Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, mục đích, ý nghĩa của chuyến đi lần này là gì?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Với tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu, hướng về biển đảo quê hương, từ năm 2009 đến nay, vào dịp tháng Tư lịch sử, năm nào, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng tổ chức đoàn công tác đi thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng quan sát từ đảo Phan Vinh.

Năm nay, đoàn triển khai thực hiện theo Kế hoạch 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, với mục đích thứ nhất là tuyên truyền, tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa X) về chiến lược biển đảo và nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đối với sự nghiệp bảo vệ biển, đảo quê hương cũng như tuyên truyền về các hoạt động của quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Thứ hai là mang đến tình cảm chân thành, lòng tri ân của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đến với cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo của Trường Sa - những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời của quê hương. Đồng thời, cũng đem đến tình cảm thân thương của người dân Thủ đô với quân và dân hiện đang sinh sống, làm việc và sẵn sàng chiến đấu trên các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa.

Ngoài việc động viên, thăm hỏi, các đoàn công tác của Hà Nội cũng đã có những món quà, hoạt động thiết thực, thể hiện tình cảm sâu sắc của Nhân dân Thủ đô đến với các chiến sĩ hải đảo, thưa đồng chí?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Trong suốt lịch trình công tác của chuyến đi này, chúng tôi đã đến thăm, động viên và đã được tận mắt chứng kiến các điều kiện, hoàn cảnh sinh sống, luyện tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi cũng như điều kiện sinh hoạt của các hộ dân trên các điểm đảo. Đoàn cũng đã đem những món quà, thể hiện tình cảm sâu sắc của Nhân dân Thủ đô đến với các chiến sĩ hải đảo và Nhân dân trên các điểm đảo. Liên tục từ năm 2009 đến nay, Hà Nội có những công trình, nhà văn hóa rất thiết thực, như nhà khách Thủ đô trên đảo Trường Sa Lớn, trên đảo Song Tử Tây và các công trình nhà văn hóa đa năng. Đây là các công trình có ý nghĩa thiết thực để cải thiện, nâng cao đời sống, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo rất xa đất liền, có nhiều khó khăn. Đồng thời cũng là tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, từ sẵn sàng chiến đấu, hậu cần kỹ thuật cũng như sẵn sàng giúp đỡ cho bà con ngư dân tránh bão, thiên tai hoặc rủi ro bất thường.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi khánh thành nhà văn hóa trên đảo Len Đao và khởi công nhà văn hóa trên đảo Đá Thị. Những công trình này khẳng định tình cảm, sự tham gia rất thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô từ nhiều năm nay đối với các cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa quê hương.

Vượt qua hơn 1.000 hải lý, đoàn đến 10 đảo, điểm đảo và nhà giàn DK1/19, đoàn cũng đã tham gia những hoạt động hết sức có ý nghĩa, đặc biệt là lễ thả vòng hoa trên đảo Gạc Ma. Chắc chắn chuyến đi đã để lại rất nhiều cảm xúc với mỗi thành viên đoàn công tác của TP Hà Nội. Vậy với cá nhân đồng chí, chuyến đi lần này đã để lại những cảm xúc gì trước tình cảm của quân và dân các đảo, điểm đảo nơi đoàn đến?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Đến với huyện đảo Trường Sa lần này, đoàn Hà Nội có nhiều điểm rất đặc biệt, số lượng đông nhất, 179 đồng chí, thành phần cũng rộng hơn. Ngoài lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội đến 30 quận, huyện, đặc biệt lần này có các cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, nơi thực hiện tốt phong trào Vì Trường Sa thân yêu; các Bí thư chi bộ, các cơ quan, DN, trường học, văn nghệ sỹ trí thức Thủ đô, các phóng viên báo đài T.Ư và Hà Nội.

Các hoạt động trong suốt chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc. Chúng tôi đã vô cùng xúc động khi tham gia giao lưu, mang lời ca tiếng hát của các văn nghệ sỹ, của các thành viên trong đoàn chung vui cùng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên tất cả 10 điểm đảo. Điểm đáng chú ý, trước khi đoàn lên đường, nhiều trường học đã phát động các em học sinh viết và vẽ về các chú bộ đội ở các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa. Tại các điểm đảo, chúng tôi đã đọc lên những lá thư dạt dào tình cảm chân thành gửi tới các chiến sĩ nơi đảo xa của các em học sinh trong không khí hết sức cảm động, trang nghiêm. Tất cả những tình cảm đó, các thành viên trong đoàn đều đã trải nghiệm và rất xúc động.

Ấn tượng nhất là khi chúng tôi đến điểm đảo Len Đao và đảo Cô Lin, rất gần với Gạc Ma, các thành viên trong đoàn trên tàu đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Buổi lễ để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc không chỉ cá nhân tôi mà còn với tất cả các thành viên trong đoàn, một ấn tượng không thể nào quên trong đời.

Không phải đến khi ra với Trường Sa thì chúng ta mới ý thức một cách đầy đủ về biển đảo của quê hương, về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong những năm tháng qua, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước luôn luôn hướng về biển đảo thân yêu, luôn có những việc làm hết sức thiết thực tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, vun đắp thêm tình cảm yêu nước, đặc biệt là trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Nhưng qua chuyến đi, chúng ta càng cảm phục hơn, tự hào hơn về truyền thống đoàn kết, kiên cường, vượt qua khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng, của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng nói chung, các anh đã ngày đêm giữ vững tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, càng nhận thức sâu sắc hơn, trách nhiệm lớn lao hơn của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đất Việt nói chung cũng như hơn 10 triệu người dân Thủ đô nói riêng với Trường Sa và biển đảo quê hương. Tôi nghĩ, sau chuyến đi, tới đây mỗi thành viên trong đoàn sẽ là một tuyên truyền viên để lan tỏa tinh thần dân tộc, tình yêu biển đảo; nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn trong thực hiện hiệu quả các nghị quyết của T.Ư góp phần phát triển Thủ đô, phát triển đất nước trở thành điểm tựa vững chắc cho biển, đảo quê hương.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần