Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng: Xây dựng đội ngũ người làm báo Thủ đô bản lĩnh, đạo đức, trong sáng

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ VII Hội Nhà báo TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự đóng góp của Hội Nhà báo TP và báo chí Thủ đô vào thành tựu chung của Hà Nội. Đồng thời Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý những thách thức, khó khăn cần phải vượt qua trong thời gian tới.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Đại hội.

Trong 5 năm qua, Hội Nhà báo TP Hà Nội và 20 cơ quan báo chí Thủ đô đã phản ánh chân thực và kịp thời mọi lĩnh vực, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước, nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội; tích cực tham gia tổ chức các sự kiện, các hoạt động thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và của Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực nhấn mạnh, 8 Chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy khóa XVI đã được các cơ quan báo chí Hà Nội xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền bài bản, hiệu quả. Báo chí Hà Nội tham gia mạnh mẽ vào công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng và tệ nạn xã hội; vạch trần những luận điệu sai trái của thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân và lợi ích quốc gia, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô và đất nước.
Ghi nhận, báo chí Thủ đô đã tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng, những vấn đề gây bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền và làm lan tỏa gương “Người tốt - Việc tốt”, những nhân tố mới, tấm gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực hoạt động gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà Hội Nhà báo Hà Nội triển khai, duy trì. “Cùng với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, báo chí Hà Nội đang đổi mới và phát triển khá toàn diện với đầy đủ loại hình: Báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử. Nhiều cơ quan báo đã thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, thường xuyên thực hiện những sản phẩm báo chí hiện đại như Megastory, longform…, bắt kịp với xu hướng báo chí thế giới”- Phó Bí thư thường trực Thành ủy ghi nhận.
Cùng với đó duy trì và thực hiện tổ chức, tham gia các giải báo chí uy tín hằng năm. Phối hợp tham gia chỉ đạo và quản lý báo chí: Tổ chức Hội Nhà báo thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn, nhất là trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý hội viên. Giữ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT... trong các hoạt động có liên quan tới công tác chỉ đạo và quản lý báo chí theo đúng quy định của T.Ư, TP; đã phối hợp làm tốt công tác tư tưởng, động viên hội viên nhà báo thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025, bảo đảm ổn định tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí TP. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội được quan tâm, đặc biệt là trong việc thực hiện các Chỉ thị của T.Ư và TP liên quan đến hoạt động của Hội và công tác quản lý báo chí xuất bản. Qua đó, Hội đã thực sự phát huy được vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là mái nhà chung của những người làm báo Thủ đô.
Trong nhiệm kỳ mới, cùng với việc chỉ ra những thuận lợi, thách thức trên mặt trận tư tưởng văn hóa và thông tin, đi kèm theo đó là chuyển đổi số mạnh mẽ và sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý:
Thứ nhất, các cấp Hội cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết T.Ư 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. 
Hai là: Củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nhà báo các cấp; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, phấn đấu để có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc đạt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí khác; khắc phục những hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ; tăng cường tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, chính trị tư tưởng nhằm hỗ trợ các nhà báo quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Báo chí Thủ đô phải thực sự trở thành cầu nối giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước với Nhân dân, cổ vũ Nhân dân Thủ đô và cả nước thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, động viên khích lệ Nhân dân tham gia các công việc của đất nước, của Thủ đô một cách sáng tạo, hiệu quả.
Ba là: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa tổ chức Hội với các cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ. Chú trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng tình đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, qua đó nâng cao hiệu quả công tác báo chí.
Bốn là: Thường xuyên đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cả về chính trị và về nghiệp vụ cho các nhà báo, hội viên bằng nhiều hình thức: Phối hợp với các cơ quan của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan của TP Hà Nội để tổ chức mở lớp tại cơ quan Hội hoặc cử hội viên theo học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo…, qua đó, bổ sung nguồn nhân lực báo chí có chất lượng cao. Các hội viên cần thực hiện thật tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, lấy đó làm “kim chỉ nam” trong hoạt động nghiệp vụ cũng như khi sử dụng mạng xã hội.
Năm là: Làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo TP và T.Ư về chế độ, chính sách liên quan đến báo chí. Theo Quyết định số 18/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025. Quy hoạch báo chí là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Hội Nhà báo TP Hà Nội cần tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình này, đồng thời quan tâm hơn nữa tới nguyện vọng chính đáng của hội viên.
“Lãnh đạo TP tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm đã được tích lũy, đội ngũ những người làm báo Thủ đô ngày càng vững vàng về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.