Thêm 4 huyện đủ điều kiện về đích nông thôn mới
Trong quý III/2021, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04/CTr-TU của Thành ủy, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Huyện Mê Linh là một trong những địa phương phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021. Ảnh: Trọng Tùng. |
Cùng với chỉ đạo sâu sát của TP, các huyện, thị xã cũng đã ban hành Chương trình của huyện để tổ chức thực hiện. Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên phụ trách theo địa bàn, tiêu chí trong thực hiện Chương trình; tổ chức làm việc trực tuyến với các xã nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021, huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
Đến nay, toàn TP đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Còn 6 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định.
Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 23/9, Tổ công tác Trung ương đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chương Mỹ và góp ý trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Chương Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hội nghị, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP đã phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ và các sở, ban ngành của TP hoàn thiện hồ trình TP đề nghị tổ chức họp xét, công nhận huyện Chương Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với 2 huyện Ứng Hòa và huyện Mê Linh, trong ngày 12/10 và 13/10, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP đã tiến hành thẩm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa tại các địa phương. Theo Kết quả của Đoàn thẩm định TP, huyện Ứng Hòa và huyện Mê Linh đã đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ gửi UBND TP xem xét, trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong đại dịch
Bên cạnh kết quả xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển tương đối ổn định. Nhiều vùng canh tác chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao được hình thành, nhân rộng như vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng rau an toàn, rau hữu cơ, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết đã đem lại hiệu quả thiết thực.Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Kinh tế nông thôn phát triển góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến đầu năm 2021 đạt 55 triệu đồng/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng…
Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 90,1%. 100% số xã được kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo…
Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên, ước 9 tháng đã qua của năm 2021, TP vẫn giải quyết việc làm cho 116.100 lao động. Đặc biệt, các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của TP Hà Nội và huy động xã hội hoá để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch.
Tổng kinh phí hỗ trợ ước tính gần 1.121 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số15/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội là gần 849 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định khoảng 272 tỷ đồng.
Phục hồi kinh tế nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19, nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ, góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Đồng thời nhấn mạnh, hiện nay TP đang chuyển sang giai đoạn mới với việc nới lỏng các hàng rào kỹ thuật, hướng đến bảo đảm mục tiêu kép.
Đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết các địa phương càng về đích sau thì càng nhiều khó khăn. Thậm chí hạ tầng cơ sở tốt rồi cũng chưa thể về đích do thiếu sự đồng thuận của người dân, như trường hợp tại huyện Phú Xuyên. Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung cao độ, có giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, cần thiết thì báo cáo cấp trên có định hướng xử lý. Cố gắng cao nhất để không để nợ các tiêu chí về đích nông thôn mới.
Các huyện tập trung rà soát lại việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quan tâm, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường. Giám sát việc triển khai tiêu chí về nhà văn hoá sau khi TP đã có ưu tiên đầu tư, bảo đảm tiến độ hoàn thành; tuyệt đối không để nợ các tiêu chí nói chung.
Liên quan đến tình hình sản xuất nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm khống chế dịch bệnh động vật, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại huyện Ba Vì. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn nói riêng, thịt động vật nói chung trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị đối với kinh tế trang trại, cần quan tâm đến hai yếu tố là phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Các sở ngành, địa phương cần có khuyến cáo, hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở chăn nuôi bảo đảm các điều kiện về an toàn sinh học. Tập trung phát triển ngành nghề nông thôn và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới…
Để bù đắp lại giá trị sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vụ Đông năm 2021. Trong đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuyệt đối không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng hơn sang các địa phương khác. Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công…
Đối với nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, bằng mọi phương án, phải bảo vệ an toàn cho Thủ đô và thành quả của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua. Phát huy vai trò của mọi tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tập trung năng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là ở cấp xã, phường, để chủ động khoanh vùng, dập dịch khi bùng phát...
Tránh nể nang trong thẩm định tiêu chí nông thôn mới Phát biểu tại hội nghị chiều 15/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị địa phương trong kế hoạch về đích năm 2021 cần tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc đánh giá, thẩm định cần được thực hiện nghiêm túc, tránh nể nang, bảo đảm các tiêu chí đạt theo yêu cầu và việc công nhận là xứng đáng, đáp ứng chất lượng. Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương cũng cần quản lý tốt nguồn lực, tránh để xảy ra tình trạng nợ đọng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. |